Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

"Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3   "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3 I_icon_minitimeWed Apr 26, 2017 12:20 pm

Chuyến Vượt Biên Thứ Ba

Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"
Thương tặng con trai L.V.S.

Tháng 3 năm 1981 tôi lại có cơ hội thử một chuyến vượt biên nữa. Lần này, một người trong đám tổ chức cũ trong chuyến đi thứ nhất đứng ra tổ chức. Người này tôi hay gọi là Ông Ba P. cũng chính là người tôi đã nhờ dẫn dùm con trai tôi về trước, khi chúng tôi bị kẹt ở trại giam Cầu Ván, Rạch Sỏi. Ông Ba P. ở gần nhà và biết gia đình chúng tôi rất rõ. Đổi lại cho việc được tham gia không tốn tiền, ông nhờ tôi một số việc như mua hải bàn, hải đồ, thước đo toạ độ và sẽ là hoa tiêu điều khiển chiếc ghe sau khi lên cá lớn. Trong chuyến đi này có Thành, người bạn thân cùng xóm từ lúc nhỏ tháp tùng đi nữa.

Hôm khởi hành, Thành và hai cha con tôi hẹn nhau ra bến xe Xa cảng Miền Tây và đón chuyến xe sớm nhất đi Rạch Sỏi. Đến nơi thì cũng đã 2 giờ chiều hơn. Đã được dặn dò từ trước, Thành và hai cha con tôi đi ngay vào một quán sinh tố gần bên đường, nơi đã có một người dẫn đường ngồi chờ từ lâu. Chúng tôi gọi nước uống và kín đáo trao đổi với người dẫn đường vài ám hiệu nhận nhau. Được một lúc đợi khi người dẫn đường đi ra thì chúng tôi cũng trả tiền rồi lẽo đẽo theo sau. Người đàn ông dẫn chúng tôi đi bộ một khoảng khá xa đến một toà nhà, hình như là trụ sở Giáo Dục của Xã. Phía sau là một dãy nhà cho các giáo viên ở xa cư trú. Thấy người đó lầm lủi đi vào trong dãy nhà đó, chúng tôi cũng đi vào theo.

Khi vào đến nơi chúng tôi thấy ông Ba P. và hai ba người trong đám tổ chức đang nói chuyện, bàn bạc gì đó với nhau. Chúng tôi được sắp xếp giao cho một người đàn ông địa phương khoảng trên 50 tuổi tên Tịnh là người coi về việc mấy ghe nhỏ Taxi. Ông này dẫn chúng tôi đi ngược ra hướng chợ Rạch Sỏi và xuống ngay bến đò sát ngay chợ, nơi có con trai ông ta đang đậu ghe chờ ở đó. Ông ta ra dấu cho chúng tôi đi xuống ghe và người con của ông đã biết từ trước nên cũng không hỏi han gì tới chúng tôi, cứ thế chống dầm tách ra khỏi bến đò.

Chợ chiều lúc đó cũng đã sắp tàn, chỉ lèo tèo dăm ba người đi chợ muộn tìm mua chút thức ăn rồi vội vả về lo bữa cơm chiều. Trên bến đò cũng vắng teo, chỉ còn vài ba chiếc ghe của bạn hàng neo tại bến. Không ai chú ý tới chúng tôi cả. Thành ngồi ở phía trước chèo mũi phụ, hai cha con tôi ngồi ngay giữa khoang ghe và con trai ông Tịnh; khoảng 17, 18 tuổi tên Bằng; ngồi chèo lái ở phía sau. Theo như kế hoạch, chúng tôi sẽ ra điểm hẹn ngay cửa biển, từ đây con "cá lớn" sẽ đến "bốc hàng" đi luôn.

Lúc bấy giờ ít nhất cũng gần 4 giờ chiều rồi. Từ bến đò Rạch Sỏi chúng tôi lầm lủi đi qua những kinh rạch vắng vẻ. Trong chuyến đi lần này, tôi được biết tin khá trễ cho nên sự chuẩn bị không được chu đáo như hai lần trước. Riêng phần con trai tôi gặp trở ngại với nhà trường. Hai lần trước chúng tôi đã tìm cớ xin với nhà trường cho con tôi tạm nghỉ học vì có chuyện gấp trong gia đình phải về quê… Sau chuyến đi thứ nhất con tôi về đi học lại đã hơi gặp khó khắn vì nghỉ lâu quá, nhưng sau đó mọi chuyện cũng không có gì. Đến lần thứ hai, chúng tôi cũng đã tìm cách nói dối cho con trai tôi được nghỉ học mà không bị gì hết. Nhưng lần này khi tôi lên xin cho con trai tôi nghỉ học lần nữa, cô giáo chủ nhiệm đã mời tôi vào văn phòng và cho tôi biết là nó nghỉ nhiều quá rồi, nếu tiếp tục nghỉ nữa nó phải bị ở lại lớp. Tôi đã cố năn nỉ và ngụy tạo ra một trường hợp chẳng đặng đừng, đồng thời hứa với cô giáo là chúng tôi sẽ kèm nó học để bắt kịp với các bạn cùng lớp. Cuối cùng cô giáo chủ nhiệm đồng ý nhưng với điều kiện sau khi đi học lại nếu thấy con tôi không theo kịp được chương trình thì nó phải bị ở lại lớp. Con trai tôi sau đó khóc lóc không chịu đi vì nó sợ bị ở lại lớp. Vợ chồng tôi phải dỗ dành nó nhiều lần nó mới miễn cưỡng đồng ý. Tuy thế trong lòng vợ chồng tôi cũng lo lắng lắm, cầu xin cho đi chuyến này trót lọt êm xuôi chứ nếu thất bại trở về nữa thì việc học của con sẽ bị trở ngại và rủi mà nó bị ở lại lớp thì ân hận biết chừng nào!

Tôi ôm con ngồi giữa khoang ghe mà lòng cứ miên man nghĩ ngợi đâu đâu. Thằng con tôi chỉ còn hơn một tháng nữa là đúng 6 tuổi rồi! Phải nói là nó rất ngoan, qua mấy chuyến vượt biên hình như trong đầu óc non trẻ của nó cũng ý thức được sự việc nguy hiểm quan trọng nên chẳng bao giờ nó khóc lóc hoặc quấy, đòi hỏi gì cả. Nó cứ im thin thít và bảo gì thì cứ ríu ríu làm theo, ngay cả khi hai cha con trong vòng nguy hiểm hoặc trong cảnh tù đày như hai lần vượt biên trước. Lòng tôi buồn vô cùng khi nghĩ tới điều này. Ôi đất nước tôi có biết bao nhiêu trẻ thơ ở vào trường hợp như con tôi! Nếu ở lại thì tương lai sẽ đi về đâu, nhiều lắm là nó leo lên hết bậc Trung Học, còn chuyện Đại Học chắc khó lòng mà leo lên nổi. Với lý lịch "Ngụy" của ông Nội và Ba nó, coi bộ nó sẽ khó có cơ hội học tới nơi tới chốn. Bằng chứng là các em tôi đã gặp khó khăn trong vấn đề này rồi. Không phải bỗng dưng mà mọi người đổ xô làm một cuộc di tãn vĩ đại năm 1954 và một con số khổng lồ bỏ trốn đi vượt biên sau năm 1975 như vậy. Lịch sử sẽ phê phán điều này và thế hệ sau sẽ nhìn lại điều này với sự nhận xét rõ ràng hơn. Còn bây giờ, thế hệ của chúng tôi chỉ là những chứng nhân của thời đại. Thế hệ của tôi có thể chủ quan trong nhận xét của mình, nhưng lịch sử sau này thì không.

Đang miên man chìm trong dòng suy tư thì anh chàng chèo ghe tên Bằng lên tiếng:

– Mình đi thêm một chút nữa rồi tấp vào ngả ba ăn uống nghỉ ngơi đợi tối tối một chút rồi hãy chèo ra sông Cái.

Ghe chúng tôi đi thêm khoảng nửa tiếng nữa thì trước mặt là một ngả ba trổ ra sông Cái. Trời đã bắt đầu chạng vạng tối. Chúng tôi tấp vào một bãi ô rô lớn nghỉ ngơi ăn uống chút đỉnh. Khoảng 6:30 chiều, ghe lại tiếp tục đi khi mắt chúng tôi không còn thấy rõ trên mặt sông nữa. Từ đây ra đến điểm núp chờ khuya nay ráp với "cá lớn" còn một đoạn dài nữa, theo như Bằng cho biết thì chúng tôi sẽ phải đi qua 2 trạm kiểm soát, trước khi ra được đến nơi. Hai trạm kiểm soát này trên danh nghĩa là thu mua, đóng thuế nông, ngư sản… nhưng ngay kế bên đó là trạm công an biên phòng kiểm soát người vượt biên. Nhờ bóng tối che chỡ, ghe chúng tôi cứ thế đi êm ru trên sông Cái. Tôi không biết đâu là đâu, chỉ thỉnh thoảng ghe chúng tôi đi ngang qua những khúc sông có nghe vọng lại ở phía xa xa trên bờ những âm thanh của radio hoặc tiếng nhạc vẳng lại và có tiếng người loáng thoáng nói chuyện. Giờ này trên sông vắng hoe. Lâu lâu mới thấy ở phía giữa sông có những chiếc ghe bầu chỡ lúa gạo hoặc hàng hóa nặng nề lướt qua, để lại những lượn sóng lan ra tới tận chỗ chúng tôi, vỗ vào lườn ghe khiến chiếc ghe lắc lư nhẹ theo nhịp sóng. Cứ thế ghe lầm lủi đi và khoảng 9 giờ tối thì chúng tôi đến điểm núp an toàn. Nơi đây chúng tôi đã thấy biển phía trước mặt xa xa, gió biển thổi vào nghe mát lạnh làm chúng tôi thấy tỉnh táo hẳn.

Bằng lủi mũi ghe vào một con rạch nhỏ trên đoạn sông Cái, nấp dưới những tàng lá ô rô lớn. Chúng tôi chia nhau thuốc chống muỗi thoa khắp người. Tôi đánh thức con tôi đang ngủ gà ngủ gật dậy, ép nó ăn chút bánh mì mua sẵn từ trước, rồi thoa thuốc chống muỗi lên khắp người nó. Sau đó tôi ôm con vào lòng, tay phe phẩy chiếc mũ lưỡi trai xua đuổi muỗi. Thành từ phía trước mũi ghe, chắc cũng buồn tình nên bò lại giữa khoang ngồi thì thầm với tôi:

– Đ.M. muỗi quá. Tao bị nó cắn, khó chịu quá!

Tôi đưa bình thuốc chống muỗi cho Thành:

– Còn đây nè. Mày xức thêm đi. Tao cũng bị vậy, chứ có khá gì hơn đâu.

– Thằng S. ngủ chưa? Mình người lớn đây mà chịu không nổi, thấy nó tội nghiệp quá.

Tôi trả lời Thành:

– Còn thức. Nó mới ăn xong. Mày cũng ráng ngủ một chút đi. Còn lâu lắm.

Thành xoay người, lấy cái xắc tay kê trên miếng ván bắc ngang chiếc ghe làm gối và ngả người nằm xuống. Phía đằng sau thằng Bằng chắc cũng đang ngủ gà ngủ gật. Tôi xoay người đổi một tư thế thoải mái hơn và tựa con trai tôi vào lòng, tay vẫn liên tục phe phẩy mũ lưỡi trai vừa đuổi muỗi, vừa dỗ nó ngủ trong khi tôi cũng cố lim dim. Chúng tôi yên lặng chờ đợi. Đâu đó trong đêm vắng, thỉnh thoảng có tiếng những con cá đớp mồi vang lên những âm thanh "chóc chóc" trên mặt nước, nghe buồn chi lạ.

Chúng tôi chờ quá 3 giờ sáng mà vẫn không thấy gì cả. Bằng cũng rất sột ruột. Tôi đặt nhẹ con tôi gối lên cái xắc tay rồi xoay ngược ra phía sau hỏi:

– Bằng. Bằng.Thức hay ngủ vậy?

– Tui thức nảy giờ chứ đâu có ngủ nghê gì?

– Sao chưa thấy gì hết vậy?

– Tui cũng hỏng biết? Ba tui nói khoảng 3 giờ sáng là "cá lớn" ra.

– Giờ này cũng hơn 3 giờ rồi, còn gì nữa? –Tôi lo âu nói.

Thành ở phía trước cũng sốt ruột không kém, lòm còm bò sát đến giữa khoang nghe ngóng chúng tôi nói chuyện. Anh chàng coi bộ cũng không nhịn được nên xen vào:

– Giờ này mà không thấy gì hết! Có khi điểm hẹn ở một chỗ khác còn mình nằm chờ trật chỗ rồi không?

Bằng cãi:

– Hôm qua Ba tui đã đưa tui ra đây chỉ rõ ràng chỗ này, làm sao mà trật được?

Tôi xen vào:

– Ráng chờ thêm một chút nữa xem.

Cả ba im lặng chờ mà trong bụng đứa nào đứa nấy như lửa đốt. Hơn 15 phút nữa trôi qua, vẫn không thấy gì cả! Từ chổ núp chúng tôi đã bắt đầu thấy mờ mờ sáng ở phía xa xa chân trời phía ngoài cửa biển. Trời bắt đầu sáng rồi! Lúc bấy giờ cũng gần 4 giờ sáng rồi. Ngoài biển trời sáng sớm lắm. Tôi không còn kiên nhẫn được nữa:

– Bằng. Bỏ đi về ngay đi. Trời sắp sáng rồi. "Cá lớn" không ra nữa đâu. Chắc là có chuyện gì rồi. – Tôi hướng qua Thành – Mày ra lại trước mũi đi. Tao thấy không xong rồi.

Thằng Bằng còn lưỡng lự chưa biết tính thế nào? Tôi hối nó:

– Bỏ đi ngay đi Bằng. Chắc chắn là "cá lớn" không ra đâu. Nếu "cá lớn" xuất hiện thì mình đã thấy rồi. Mình mà chần chờ, một chút trời sáng bét thì còn nguy nữa.

– Bây giờ mà chèo ghe vô, nguy hiểm lắm. Đi ngang mấy trạm thu mua, đóng thuế Nông Ngư Sản trời sáng thì thế nào cũng bị kêu dzô xét liền! – Bằng lo âu nói.

– Còn đường nào có thể tránh được mấy trạm xét đó không?

– Có nhưng mà phải đi dzòng cả nữa ngày chứ đâu dễ đâu? Mấy đường đó cũng đâu có chắc là không bị xét đâu? Trời ơi! Bây giờ không biết phải làm sao?

Bằng còn cho biết thêm, nếu muốn tránh hai trạm thu mua Nông Ngư Sản thì một là đi vòng ngược dọc theo cửa biển một đoạn xa rồi rẽ qua đường vào kinh thứ 11, đi bọc ngược về Rạch Sỏi. Nếu đi đường đó thì tới được bến đò Rạch Sỏi chắc cũng đã xế chiều. Còn nếu muốn đi tránh hai trạm xét này thì chỉ còn cách chèo ghe đi đến gần trạm xét thứ nhất tấp vào một chỗ, dấu ghe rồi băng đồng đi đường bộ… nhưng với cách này thì cũng phải có ghe khác đi tiếp ở một đoạn sông rạch khác chứ cũng không thể đi bộ mãi được. Đúng là khi chèo ghe đi ra cửa biển hôm qua đã khó khăn, bây giờ đi vào coi bộ còn khó khăn hơn nhiều! Với hai cha con tôi và Thành ngồi trên ghe như thế này, khi đi vào bị xét thì biết cách gì nói bây giờ? Bên ngoài cửa biển, không có nhà cửa ai hết. Nói láo đi thăm bà con về cũng không được!! Trên người tôi và Thành lại không có giấy tờ gì hết. Nếu bị xét thì chắc chắn là bị bắt liền. Tôi hỏi Thành:

– Mày tính sao? Tao nghĩ mình nên đi vòng qua ngả kinh thứ 11 cho an toàn, tuy có lâu, nhưng ít ra cũng an toàn hơn từ đây đi thẳng về ngả cũ phải qua hai trạm xét.

– Tao cũng nghĩ vậy. Thôi thì cứ quyết định đi vòng đi. Tới đâu hay tới đó. Bây giờ mình nên đi liền đi.

Ghe chúng tôi lủi ra khỏi chỗ núp, đi dọc theo mé cửa biển, ngược lên phía trên cứ thế mà đi miết. Trời mờ mờ sáng, lúc này chắc cũng 4 giờ sáng rồi. Đàng xa là biển, chúng tôi đã có thể ngữi thấy vị mặn và cảm nhận được không khí trong lành của biển. Tôi choàng thêm cho con một cái áo lấy từ trong xắc tay cho đỡ lạnh. Nhìn đứa con thân yêu đang ngủ trong lòng mà muốn ứa nước mắt. Tôi van vái thầm, cầu xin ơn trên Phật Trời che chỡ cho ghe chúng tôi đi trót lọt và không gặp bất cứ chuyện gì trên đường về. Lại một lần thất bại nữa và lần này nguy hiểm còn trùng trùng. Tôi không dám nghĩ nhiều, chỉ biết cầu nguyện liên tục. Nhìn Thành chèo mũi phía trước, tôi bỗng thấy cảm khái vô cùng. Nó đi vượt biên cũng thất bại mấy lần, cả hai vợ chồng và hai đứa con của nó cũng đã vào tù hết một lần trước đây. Lần này đi một mình, để vợ con ở nhà… nhưng rồi cũng không xong! Nhìn thấy nó vừa chèo mà đầu cứ chốc chốc quay sang phải, trái quan sát liên tục, tôi biết nó cũng đang lo âu lắm. Tôi và Thành là bạn thân cùng xóm từ lúc nhỏ. Má của nó và bà Dì tôi cũng là hai bà bạn rất thân. Nhớ hôm trước khi đi mấy ngày, Má của Thành còn kêu hai đứa đến dặn dò:

– Cầu xin hai anh em bây đi chuyến này thông suốt, nếu qua được bên đó, ở xứ người hai đứa phải đoàn kết giúp đỡ lẩn nhau nghe chưa?

Bây giờ đây giữa sông nước mênh mông, hai thằng lủi trốn tìm đường an toàn trở về nhà. Nghĩ sao mà cảm khái quá. Tôi nói:

– Mày chèo có mệt thì nói để tao lên thế cho nghe.

– Không sao đâu.

Trời đã sáng bửng. Phía ngoài xa xa cửa biển tôi đã thấy những tia sáng của mặt trời dần dần lố dạng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Ghe chúng tôi đi cũng khoảng hơn hai tiếng mới đến một con sông lớn, thằng Bằng bẽ mũi cho ghe quẹo trái vào con sông lớn này, sau đó băng ngang qua phía bên kia sông để đi dọc theo bờ phải đi ngược vào. Con sông này khá rộng, phải gần nữa tiếng ghe chúng tôi mới băng qua được tới bên kia. Chèo thêm được một lát, Bằng tắp vào một bụi ô rô núp nghỉ mệt. Mới sơ sơ chúng tôi đã đi gần 3 tiếng rồi mà vẫn chưa đâu là đâu cả! Bằng cho biết từ chỗ này đi ngang qua kinh 11 cũng phải mất 3, 4 tiếng nữa chứ không ít. Con tôi đã thức dậy. Tôi nghiệp thằng bé, nó hỏi:

– Ủa, sao mình còn ở trên ghe nhỏ hả Ba? Con "cá lớn" đâu?

Tôi cảm thấy chua chát qua câu hỏi của con thơ:

– Mình không đi nữa. Bây giờ đi về.

– Tại sao đi không đi nữa Ba? Bộ "thua" nữa rồi hả? –Con tôi thắc mắc hỏi-

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi con tôi dùng chữ "thua" ở đây một cách chính xác như thế. Té ra sau hai lần đi thất bại trước đây, những lúc chúng tôi nói chuyện với nhau, không ngờ nó nghe được rồi để ý đến những chữ mà chúng tôi hay dùng rồi sử dụng lại một cách chính xác như vậy. Tôi còn chưa hết ngạc nhiên và ngẫm nghĩ tìm cách nói cho con tôi an lòng thì nó lại phụng phệu nói:

– Con không biết đâu. Ba làm sao thì làm, khi về là phải để con đi học lại, chứ cô giáo không cho con đi học lại rồi con ở lại lớp thì con không chịu đâu.

Nói xong nó rấm rức khóc hoài. Lòng tôi đau như cắt khi nghe nó nói vậy, tôi phải cố gắng an ủi con và hứa với nó là tôi sẽ lên nói với cô giáo và nó sẽ đi học lại, không sao đâu. Lục tìm trong xắc tay, lấy ra mấy viên vitamin C cho nó ngậm thay kẹo và cứ thế dỗ dành nó. Ghe chúng tôi lại tiếp tục đi đến trưa thì ngang qua kinh 11. Đến đây thì tình hình có vẻ bớt căng thẳng. Chúng tôi qua một ngả ba sông khác, ghe cộ trên sông này qua lại rất nhiều không ai chú ý tới chúng tôi. Dọc hai bên sông nhà của dân cất sát ngay mé nước và nhiều người lợi dụng địa điểm này mở ra phía sau buôn bán lẻ những món cần thiết hàng ngày. Tôi bảo Bằng ghé lại một trong những quán ven sông đó mua chút bánh trái và nước uống cho mọi người rồi tiếp tục đi. Từ đoạn sông này về đến bến đò Rạch Sỏi chúng tôi không còn quá lo âu nữa, ghe cứ thế mà đi. Chúng tôi tắp ghe vào bến đò Rạch Sỏi thì cũng khoảng 3 giờ chiều rồi. Ngôi chợ nhỏ sát bến đò cũng đã thưa thớt người. Thành và hai cha con tôi cám ơn Bằng sau đó đi bộ trở về phía trụ sở cơ quan Xã ngày hôm qua để tìm ông ba P. rồi tính chứ tụi tôi cũng không biết phải đi đâu. Xe đò về Saigon giờ này không còn nữa. Tôi bảo Thành kiếm ông Ba P. rồi tìm chổ ngủ qua đêm, ngày mai sớm ra đón xe đò về lại Saigon.

Vừa bước vào phía sau của dãy nhà dành cho các giáo viên ở xa trú ngụ, tôi đã thấy ông Ba P. và hai người nữa đang bàn tán một chuyện gì có vẻ sôi nổi lắm. Thấy chúng tôi đi tới, ông vội hỏi:

– May quá! Về được an toàn là tốt quá! Tôi lo quá trời không biết mọi người có sao không?

– Đánh đấm gì mà kỳ vậy chú P. Nằm đợi cả đêm không thấy gì cả! Ghe lớn tại sao không ra?-Tôi bực bội hỏi-

– Đang chờ tin tức của thằng chủ ghe và tài công hồi sáng giờ mà không chưa thấy gì hết. Cũng đang rầu thúi ruột đây. Thôi đi vào trong cho khuất rồi nghỉ ngơi chút đi cái đã rồi tính sau.

Nói xong ông ta quay lại bàn cãi tiếp với hai người địa phương kia. Qua mấy câu tôi nghe loáng thoáng thì có vẻ như họ mất tin tức của chủ ghe và tài công từ chiều hôm qua. Thật tình mà nói, Thành và tôi bực tức trong bụng lắm, nhưng không biết phải làm sao? Đây là dãy nhà phía sau của một cơ quan nào đó của Xã; hình như là cơ quan Giáo Dục; phía trước vẫn còn người lai rai vô ra làm việc. Chúng tôi đứng lớ ngớ ở chổ này không tiện chút nào, nên tôi kéo tay lôi Thành đi vào bên trong. Thành nói với tôi:

– Tao thấy không xong rồi. Tao không yên tâm ở lại chỗ này chút nào cả. Vụ này đã bể thì chỗ này không an toàn chút nào hết.

Tôi đồng ý với Thành, trong bụng cũng lo lắm, nhưng khổ nổi bây giờ không biết phải đi đâu? Tôi cúi xuống nói mấy câu vỗ về an ủi và dặn thằng con trai:

– Con ở đây với chú Thành, Ba ra ngoài nói chuyện với ông P. chút nghe.

Dặn Thành giữ dùm thằng con, tôi đi trở ra khuông viên cửa sau. Gặp ông Ba P. tôi hỏi liền:

-Bây giờ mọi chuyện đã không xong rồi. Chú kiếm chỗ an toàn cho Thành và hai cha con tôi ngủ qua đêm, mai về lại Saigon rồi tính. Chứ ở đây tụi tôi thấy không yên tâm chút nào hết.

– Ở đây là an toàn lắm rồi. Chủ dãy nhà này là người nằm trong tổ chức, chổ này chỉ có mấy giáo viên ở xa về dạy học trú ngụ, không ai chú ý tới chỗ này hết. Cứ yên tâm, không có gì phải lo. Đi vào bên trong kiếm giường trống nghỉ ngơi đi, một chút tôi vô liền. Tôi đã cho người mua thức ăn chiều về rồi. An tâm đi, không có sao đâu. Tôi còn phải ngóng tin của mấy người nữa. Còn 4,5 người nữa chưa về tới. Đ.M. rầu thiệt.

Nói xong ông ta lại chạy ra phía ngoài ngóng chờ người đưa tin về, điệu bộ có vẻ nôn nóng lắm. Chẳng đặng đừng, tôi phải trở vào nói lại với Thành. Bên trong dãy nhà này gồm nhiều phòng nhỏ riêng biệt với nhau. Mỗi phòng có hai chiếc giường, nhiều phòng đã có người ở, nhưng cũng còn mấy phòng trống. Thành và hai cha con tôi vào một phòng trống ngồi trên giường, được một lúc, Thành quay qua nói với tôi:

– Tao không an tâm ở lại đây chút nào hết. Tao đề nghị đi ra bến xe đi Cần Thơ. Xe về Saigon giờ này hết rồi, nhưng từ đây đi Cần Thơ thì gần, xe chắc còn nhiều. Ở Cần Thơ tao có nhà người quen. Đến Cần Thơ ở nhà người quen tao thấy an tâm hơn.

Thật ra trong bụng tôi cũng đâu muốn ở lại chỗ này, sau một lần "đánh" bị bể, chắc chắn là nhiều nguy hiểm lắm. Lý do con "cá lớn" tại sao không ra điểm hẹn bây giờ còn chưa biết? Có thể nó đã bị "thua non" dọc đường, hoặc đã bỏ đi luôn mà không rước khách như đã dự trù cũng không biết chừng. Nhưng khổ nổi tôi không biết phải đi đâu giờ này, vì chiều quá rồi. Nay nghe Thành đề nghị vậy tôi hưởng ứng liền:

– Vậy hả? Sao nảy giờ mày không nói. Tao đâu muốn ở lại đây đâu. Vậy thì mình đi lẹ cho rồi. Ở đây giây phút nào, thấy không an lòng giây phút đó.

Thế là Thành và hai cha con tôi lại dắt díu nhau đi trở ra, lần này không thấy ông Ba P. và hai người hồi nảy ở đâu nữa? Chúng tôi cũng không cần thiết phải gặp ông ta, giờ này chỉ lo phần chúng tôi sao cho an toàn thôi… Lúc bấy giờ cũng khoảng 4 giờ chiều rồi. Chúng tôi không còn chần chừ được nữa. Đón 2 chiếc Honda ôm đi ngay ra bến xe. Quả nhiên, xe đò đi Cần Thơ giờ đó vẫn còn. Chuyến sắp chạy còn trống nhiều chổ lắm. Chúng tôi mua được hai vé chính thức dễ dàng nhảy lên chọn dãy trống phía sau ngồi cho thoải mái. Xe lăn bánh ra khỏi địa phận Rạch Sỏi, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm. Tôi hỏi Thành:

– Mày quen ai ở Cần Thơ vậy. Có thân không? Đến Cần Thơ chắc cũng nữa đêm rồi, tự nhiên dẫn vào nhà người ta lủ khủ thế này, mày thấy có ổn không?

– Không sao đâu. Gia đình nhà này chịu ơn của bà già tao nhiều lắm. Biết chổ an toàn tao mới dám tới chứ đâu có ẩu được mậy?

Thành nói xong thì nhắm mắt lim dim ngủ. Chắc nó quá đừ sau một đêm thức trắng và cả ngày chèo ghe phụ với Bằng. Tôi cũng không hỏi gì thêm, băng ghế sau còn trống nhiều chổ nên tôi đặt thằng con nằm dài trên băng sau dỗ nó ngủ, rồi cũng nhắm mắt ngủ gà ngủ gật. Thật tình mà nói, sau một đêm và một ngày đầy căng thẳng tôi cũng cảm thấy quá mệt!

Đến khoảng hơn 9 giờ tối thì xe đổ bến Cần Thơ. Thành đón một chiếc xe lôi và hướng dẫn xe lôi chạy tới địa chỉ nó muốn. Đây là một nhà thuộc dạng biệt thự. Bên ngoài có vách tường bao bọc chung quanh coi bộ bề thế lắm. Tôi nhủ thầm trong bụng:

– Thời buổi này ai mà còn ở được một căn nhà như vầy là ngon quá rồi còn gì.

Thành bấm chuông, một lúc sau có một người đàn bà ra mở cổng. Thành đứng bên ngoài xưng tên, tự giới thiệu nó kèm với tên của Má nó để người đàn bà nhận ra được. Quả nhiên, khi nghe đến tên của Thành và Má của nó, người đàn bà từ bên trong nhận ra ngay, thái độ vồn vả hẳn lên, bà ta lật đật mở cổng:

– Trời đất! Cậu Ba đi đâu mà tới đây tối dzầy nè?

– Tụi con đi chơi nhà bạn ở Rạch Giá, Kiên Giang, định về luôn Saigon, nhưng ra bến xe trễ quá. Xe về Saigon không còn chuyến nào nữa hết, kẹt quá phải đón xe Cần Thơ, ghé đây ngủ nhờ một đêm, mai tụi con đi sớm về Saigon.

– Dzậy hả! Thôi dzô nhà lẹ lên đi. Chắc chưa ăn uống gì đâu phải không? Vô nhà tắm rửa trước đi rồi tính. Để tui biểu tụi nó làm cơm ăn luôn nghe. – Bà ta vồn vả nói-

Người đàn bà hướng dẫn chúng tôi vào nhà khoảng gần 60 tuổi, gương mặt rất vui vẻ. Bà ta hướng dẫn chúng tôi vào một căn phòng và chỉ phòng tắm cho chúng tôi tắm rửa, sau đó bà đi ra phía sau. Tôi nghe tiếng bà ta hối thúc một người đàn bà khác phía sau lo cơm nước mà lòng cảm thấy an tâm lắm, mọi lo lắng từ chiều tới giờ hình như tiêu tan hết. Sau khi ăn uống xong xuôi, thấy Thành và người đàn bà khi nảy lâu ngày không gặp nên để họ nói chuyện, tôi dẫn thằng con vào trong dỗ nó ngủ được một lúc rồi cũng mệt mỏi quá nên ngủ quên luôn hồi nào không hay.

Chúng tôi được đánh thức dậy vào khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Tôi và con trai tôi lo vấn đề vệ sinh cá nhân xong xuôi đi xuống nhà sau thì đã thấy người đàn bà hồi tối ngồi nói chuyện với Thành ở bàn ăn, bên cạnh nồi cháo trắng nghi ngút khói. Bà ta thấy hai cha con tôi xuống thì hối chúng tôi ăn cháo cho xong rồi sẽ có người đưa chúng tôi ra bến xe đi về lại Saigon. Chúng tôi đang ăn thì có một người đàn ông ở nhà trên bước xuống. Thành giới thiệu với tôi là: "Anh Sáu" con của người đàn bà hồi tối. Người đàn ông này khoảng 36,37 tuổi, cách nói chuyện chững chạc, điềm đạm lắm. Anh ta hỏi thăm xã giao với tôi mấy câu, sau đó chủ yếu chỉ nói chuyện với Thành, thăm hỏi gia đình Thành… (Cả nhà anh ta khi nói chuyện với Thành, ai cũng gọi Thành bằng “cậu Ba” và gọi Má của Thành bằng Bà coi bộ nể trọng lắm). Xong xuôi đâu đó, anh ta gọi một thanh niên lên, bảo lái xe chở chúng tôi đến bến xe và căn dặn anh thanh niên này kỹ lưỡng là phải đợi xe đò chạy mới được về. Chúng tôi từ giã chủ nhà đi ra ngoài thì đã thấy anh thanh niên tài xế lúc nảy ngồi chờ sẳn trên một chiếc xe zeep loại quân đội. Đến đây thì trong bụng tôi thắc mắc lắm. Không biết gia đình này làm cái gì mà giờ này còn có xe Zeep lùn của quân đội cũ, lại còn có cả tài xế nữa?? Tuy thắc mắc như vậy nhưng không tiện hỏi.

Anh chàng tài xế làm đúng theo chỉ thị, chở chúng tôi ra bến xe. Khi chúng tôi lên ngồi trên xe đò rồi anh ta vẫn còn đứng đợi ở dưới cho đến khi xe đò lăn bánh ra khỏi bến, anh ta mới quay trở lại xe Zeep trở về. Đến đây thì tôi hết nhịn nổi, quay qua hỏi Thành liền:

– Gia đình đó quen làm sao với mày vậy? Chủ nhà làm cái gì mà giờ này còn có xe Zeep với tài xế ngon lành vậy?

Thành vừa cười, vừa trả lời tỉnh bơ:

– Thằng "chả" làm Việt Cộng chứ làm cái gì.

Tôi giật mình liền:

– Cái thằng này! Bộ mày giỡn nhột với tao hả mậy?. Sao mày dám vô nhà Việt Cộng xin tá túc cả đêm, mày không sợ bị phản phé bất tử, nó đem cả đám đi nhốt hết hay sao?

Thành vẫn còn cười "mím chi cọp":

– Nếu không chắc ăn, làm sao tao dám dẫn mày vô đó.

– Cả đám vô nhà lúc nữa đêm như vậy bộ ở nhà tin lời mày nói, không nghi ngờ gì hết sao?

– Cả nhà ở đó biết là mình đi vượt biên liền, chứ dấu gì nổi! –Nói xong Thành lại cười-

Tôi không khỏi sững sốt:

– Trời đất! Mày giỡn với tao hay nói thiệt vậy? Đi với mày kỳ này đúng là "giựt con mắt" với mày luôn! Làm sao mà họ biết?

– Hồi tối lúc mày đi vô dỗ con mày ngủ, tao còn ngồi dưới nhà nói chuyện với Dì Hai là người đàn bà ra mở cổng cho mình. Bà ta là Má của anh Sáu chủ nhà, được một lúc thì anh Sáu về. Sau khi nghe tao thuật lại câu chuyện, anh ta hỏi tao liền: "Cậu Ba nói thiệt đi, có phải cậu Ba với hai cha con của người bạn đi vượt biên không xong rồi chạy về phải không?". Tao chối, nhưng anh ta biết liền, anh ta trấn an tao: "Không sao đâu, cậu Ba đừng sợ? Không lẽ tụi tui đi hại cậu Ba sao? Ơn của Bà tụi tui đâu bao giờ quên, chưa đền đáp gì cho Bà chút nào hết lẽ đâu tui lại đi hại cậu Ba. (Anh ta ám chỉ Má của Thành). Cậu Ba và người bạn cứ ở đây nghỉ ngơi đi, sáng mai ăn sáng xong tui sẽ cho người đưa cậu Ba ra bến xe đi về thành phố an toàn". Tao cũng cứ chối chứ ngu sao mà nhận, nhưng tao biết ở nhà không ai tin, họ đã biết mình đi vượt biên thất bại chạy về rồi.

– Chủ nhà ở đó đang làm gì vậy? Tao đoán chắc chức vụ cũng không nhỏ đâu.

– Tao cũng không rõ, Nghe nói hình như là Thành Ủy,Tỉnh Ủy,Tỉnh Bộ… gì gì đó. Tao đâu bao giờ để ý tới mấy chuyện đó làm gì.

– Gia đình mày với mấy người này quan hệ ra sao?

– Từ thời ông bà Ngoại tao hồi xưa đã nuôi cả gia đình của họ. Tới thời Má tao cũng nuôi cả gia đình trong nhà, cho ăn học, coi như con cháu… Anh Sáu đó coi Má tao như bà già ruột. Ai ngờ "thằng chả" đi theo Việt Cộng hồi nào đâu có ai biết. Mày biết mà… ở quê ngày xưa, ban ngày là Quốc Gia, ban đêm là Việt Cộng kiểm soát, vùng xôi đậu lẩn lộn tùm lum. Tới sau 75, mới té ngữa ra là anh Sáu này làm lớn trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của mấy tay Việt Cộng hồi nào không ai hay biết… nhưng phải công nhận là gia đình này biết phải trái, lễ nghĩa với nhà tao lắm. Thỉnh thoảng lên xuống thăm viếng Má tao hoài.

Tôi nghe Thành kể mà không khỏi bàng hoàng. Thiệt tình, lần này đi vượt biên đã thất bại, rầu trong bụng gần chết, vậy mà còn có vụ này nữa. Đúng là một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Hết chuyện đi vượt biên thất bại, nữa đêm lủi vô nhà cán bộ CS gộc xin tá túc qua đêm. Cũng may mọi chuyện trót lọt hết. (Mãi tới bây giờ, những khi gặp Thành, chúng tôi vẫn hay nhắc lại chuyện này như là một giai thoại khó quên trong đời). Chúng tôi về đến Saigon, kể lại chuyện này cho gia đình nghe, cả nhà ai cũng đều tức cười. Còn lý do chúng tôi chờ tới sáng mà không thấy ghe lớn ở đâu cả thì sau này mới biết. Ghe lớn trên đường ra điểm hẹn, qua trạm xét bị Công An nghi ngờ giữ lại hạch hỏi. Tuy phát giác nhiều dầu, thức ăn, nước uống khả nghi trên ghe, nhưng không có người khách nào bị bắt quả tang, nên cuối cùng chủ ghe lo lót được thả ra 2,3 ngày sau đó.

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, giữa tháng Năm 2006
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
"Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 10
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 1
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 2
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 4

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Rạp Hát - Thư Viện: Ca Nhạc - Phim Ảnh - Truyện :: Sách Truyện & MP3-
Chuyển đến