Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

"Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9 Empty
Bài gửiTiêu đề: "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9   "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9 I_icon_minitimeWed Apr 26, 2017 7:00 pm

Chuyến Vượt Biên Thứ Chín

Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"
Thương tặng con trai L.V.S.

Chiếc ghe cặp sát vào chân cầu nhỏ ngay bến đò, tôi lật đật nắm tay đứa con trai bước lên, mặt ván cầu trơn ướt làm thằng bé trợt chân chúi nhủi về phía trước, may mà tôi níu nó kịp và cái tay vịn bằng thân cây tràm dọc theo cầu cản lại, không thì nó đã té xuống nước rồi. Có tật giật mình. Tôi làm bộ cúi xuống phủi sơ trên quần của nó, thật ra đâu có dính gì đâu mà phủi, nhưng mắt thì đảo lẹ một vòng xem có ai ngó tới cha con chúng tôi không. Trời mới vừa tờ mờ sáng, ngó chưa rõ mặt người. Trên mặt sông lác đác vài chiếc xuồng chở hàng bắt đầu tìm chỗ tấp vào bến. Không ai chú ý tới cha con chúng tôi cả.

Nhớ lời dặn của Hai Tốt, gã chèo ghe đưa gia đình chúng tôi từ hôm qua đến giờ, tôi nắm tay con trai tôi đi thẳng một mạch lên hướng chợ ra vẻ như là dân địa phương rành đường lắm vậy. Vợ tôi bồng đứa con gái nhỏ mới hơn một tuổi lẽo đẽo theo xa xa ở phía sau. Hai cha con bước vào nhà lồng chợ Huyện Thốt Nốt. Gọi là chợ nhà lồng cho xôm tụ, chứ nó rất nhỏ, chỉ có một mái ngói phía trên là tươm tất, còn thì bốn bề trông suốt nhau. Tôi nghĩ đứng đầu này nói vói qua liên lạc với đầu kia dễ dàng.

Thằng con trai tôi thỉnh thoảng quay lại ngó về phía sau để thăm chừng xem Mẹ và em nó có còn đó hay không, tôi cúi xuống nhắc nhỏ vào tai nó:

– Con đừng quay lại nhìn Mẹ và em nữa, Ba vẫn để ý không để Mẹ và em lạc đâu…

Con trai tôi dù đã ngụy trang cẩn thận, nhưng vẫn không thể che hết làn da trắng và gương mặt của một đứa bé thị thành. Giữa đám bạn hàng và dân chúng trong chợ đang bắt đầu đông dần lên, tôi có cảm tưởng cha con chúng tôi nổi bật lên hết, ý nghĩ đó làm cho tôi không thấy an tâm chút nào. Theo như lời Hai Tốt, tụi B2 ở huyện Thốt Nốt này không nhiều, nhưng dáng vẻ của gia đình chúng tôi cũng có thể phân biệt với người địa phương rõ ràng, dù tôi cố gắng ngụy trang cho ra vẻ một tay miệt vườn thứ thiệt, còn vợ tôi thì với chiếc nón lá cũ và bộ đồ bà ba bạc màu, thật tình mà nói, tôi thấy cũng chẳng giống một người nhà quê chút nào cả, cho nên tụi tôi phải thiệt cẩn thận nếu không dễ bị thua lắm.

Trời sáng dần, mọi vật trong chợ theo đó cũng rõ hơn lên. Tôi nắm tay lôi thằng con đi len lõi qua những thúng gánh ngổn ngang của bạn hàng để ra phía bên kia chợ. Sau khi quan sát kỹ thấy không ai để ý, tôi dắt con đi lẹ ra khỏi nhà lồng chợ rồi tấp vào xe hủ tiếu mì của một người Hoa ngay phía bên phải.Vợ tôi bồng con gái lẽo đẽo theo sau như đã dặn dò từ trước, rồi tắp vào một gánh hàng rong gần đó, vừa mua chút gì cho đứa con gái lót dạ, vừa chờ đợi động tỉnh của cha con tôi phía trước.

Mới sáng sớm nên xe hũ tiếu mì còn vắng khách, chỉ có một bà có vẻ là con buôn đang ngồi ăn ở cái bàn nhỏ phía ngoài. Tôi dắt con đến ngồi ngay phía trước xe mì kêu một tô hoành thánh cho nó, còn tôi thì chỉ gọi một cái cà phê sửa nhỏ. Ông chủ xe mì phải kêu vói qua quán cà phê ngang đó mang qua cho tôi vì ông không có bán cà phê. Trong khi thằng con đang tò mò một cách thích thú trước những hình vẽ kể chuyện Tề Thiên Đại Thánh trên những tấm kiếng bọc chung quanh xe mì, thì tôi nôn nóng ngó qua bến xe đò ở phía bên kia đường. Trước khi cặp vào bến đò, Hai Tốt còn cẩn thận dặn kỹ lại một lần nữa:

– Bến xe bắt đầu bán dzé đúng 7 giờ sáng, anh nhớ canh kỹ để mua được giá chính thức, nếu không chỉ trễ một chút là hết liền. Tụi cò mòi nó "xăng tăng" với ban điều hành bến xe để chúng nó bán chợ đen chia chát với nhau, dzé giá chính thức chỉ được bán cho có lệ thôi.

Tôi còn lạ gì cái trò này nữa, bao nhiêu chuyến đi trước, may mắn lắm chúng tôi mới mua được vé chính thức, còn toàn là mua vé chợ đen, dễ gì mà chen lấn dành được với đám đông trước phòng bán vé. Sau 75, tình trạng này trở thành một cái gì quen thuộc hàng ngày cho những ai có việc phải di chuyển bằng xe đò. Nhưng nói cho cùng, tất cả mọi thứ đều tệ hại hết chớ có phải riêng gì chuyện mua vé ở các bến xe đò đâu!!

Trong khi chờ đợi, tôi trả tiền tô hoành thánh và ly cà phê trước cho chắc ăn. Cổng bến xe còn đóng, bên ngoài các người đàn bà đã bu đông trước cửa để chờ ào vô dành mua được vé chính thức giá rẽ. Tôi không dám dẫn thằng con trai đứng chờ trước cửa bến xe như họ, vì ngại tụi B2 lảng vảng đâu đó thấy bộ tịch của cha con tôi rồi sà tới hỏi thăm thì "kẹt đạn" lãng xẹt…Thôi thì cứ chắc ăn chờ đợi cho đến khi bến xe mở cửa rồi hãy qua, mua được vé chính thức hay không, không quan trọng, miễn an toàn là được mặc dù tiền bạc chúng tôi không còn bao nhiêu.

Khi bên trong phòng bán vé có người ra mở cánh cổng, đám đông bắt đầu nhốn nháo hẳn lên, tôi quay lại ra hiệu kín đáo cho vợ rồi kéo tay con trai tôi đi qua bên kia đường. Thằng bé còn tiếc nuối mấy bức tranh thầy trò Đường Tam Tạng, Tề Thiên Đại Thánh… trên chiếc xe mì, nên dùng dằng chưa muốn đi. Tôi phải vừa dỗ dành vừa lôi nó đi. Vợ tôi bồng đứa con gái cũng băng qua đường và chen vào trong đám đông để vừa tránh lộ nguyên hình và đồng thời cũng cố mua cho được vé chính thức bán với giá ưu tiên cho người có con nít… Sau một hồi vất vả chen lấn dữ dội, cũng may trong phòng bán vé có một người thấy vợ tôi bồng đứa con gái nhỏ kẹt trong đám đông, mặt mày chắc là bèo nhèo dữ lắm, cho nên anh ta kêu réo ra ngoài bảo đám đông nhường chỗ cho vợ tôi bước lên phía trước phòng vé và bán cho vợ tôi. Bà xã tôi ngoái lại chỉ về phía cha con tôi đang còn lẩn trong đám đông ở phía sau, cho biết là chúng tôi đi cùng với nhau… Cuối cùng thì cũng mua được hai vé, thiệt là mừng! Con gái tôi thì còn quá bé, vợ tôi bế trong lòng rồi không kể, còn thằng con trai thì tôi sẽ cho nó ngồi trên đùi của tôi cũng tốt rồi, chịu khó một chút đỡ phải tốn tiền mua thêm một vé.

Khi xe ra khỏi bến rẽ lên con đường tráng nhựa hướng về tỉnh lộ, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm. Con trai tôi đã bắt đầu lim dim, vợ tôi cũng đang dỗ cho con gái ngủ. Tội nghiệp hai đứa nó, mấy ngày qua không ăn ngủ gì đàng hoàng cả, hai vợ chồng tôi cũng đừ vô cùng, nhưng vì quá lo lắng nên không thấy mệt, còn hai đứa bé hể buông ra là chúng nó ngủ say sưa ngay. Nhìn thằng con đang tựa vào lòng tôi ngủ , một mối cảm xúc từ đâu bỗng dâng lên, hai khóe mắt cảm thấy cay cay. Đây là lần thứ 9, con trai tôi đã theo tôi vượt biên và lần này lại bất thành nữa!!! Hai cha con đã chịu biết bao nhiêu vất vả, thiếu thốn, ngay cả còn bị vào tù. Trong lòng tôi pha trộn nỗi buồn, hận bất tận. Nghĩ thấy số phần của gia đình tôi sao lận đận quá. Chiếc xe đò lắc lư và bắt đầu ra đến tỉnh lộ, tôi liếc ngang qua bên cạnh, vợ tôi cũng bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Tôi cố nhắm mắt một chút nhưng không thể nào ngủ được cả , trong vùng tối sâu thẳm của ký ức, bao nhiêu hình ảnh bỗng cuồn cuộn chạy về, trước sau rất rõ ràng, như đang đối diện với tôi vậy:

***

Ba ngày trước khi đi, vợ chồng tôi đã tất bật lo chạy mua từng viên thuốc say sóng, vitamin và những đồ khô để dự trù cho chuyến đi sắp tới. Lần này vợ chồng chúng tôi phải gom góp bán hết tất cả những đồ dùng nào còn khả dĩ bán được có giá vì bao nhiêu tiền bạc, nữ trang… đã không cánh mà bay theo những chuyến thất bại lần trước rồi.

Vợ tôi than thở:
– Lần này nếu không đi được nữa chắc có nước chết quá. Tiền bạc không còn gì cả, hai đứa nhỏ cũng đã èo uột bệnh lên bệnh xuống dây dưa hoài qua mấy lần thất bại trước. Anh liệu tính làm sao thì tính. chứ em mệt mỏi quá rồi.

– Tính gì nữa mà tính bây giờ? Vấn đề là mình có muốn tiếp tục đi nữa hay không? – Tôi trả lời vợ tôi. – Người ta cho cả gia đình mình đi không tốn tiền, trong khi biết bao nhiêu người không có cơ hội như chúng ta. Nếu mình đi không được là tại số của gia đình mình thôi. Chuyện khó khăn thì mình phải chấp nhận chứ biết làm sao bây giờ. Anh nói thật nếu còn những cơ hội như vầy thì anh không muốn bỏ qua. Nếu bỏ cuộc không đi thì ở đây thử hỏi có làm được gì? Làm ăn không được, con cái sau này học hành sẽ tới đâu. Thà là chết trên biển chứ anh không chịu nổi cuộc sống tù túng, không có tự do này.

Vợ tôi trả lời:
– Ai mà không biết vậy, nhưng thà là đi trót lọt được, còn không thì chết trên biển, chứ bị bắt ở tù hoặc lủi thủi trở về trong khi tiền bạc mất hết thì thật không biết phải sống như thế nào?

– Em thấy đó. Ở đây thì cũng có khác gì ở trong một nhà tù lớn chứ. Sống cũng lây lất chứ sướng ích gì. Anh thà là thử nữa chứ không bỏ cuộc. Em tưởng anh không lo rầu sao???

Đại khái có những cuộc cãi vã nho nhỏ giữa vợ chồng chúng tôi chung quanh vấn đế này như thế đó. Kể từ những lần vượt biên thất bại kỳ trước, vợ tôi nản chí dần, tiền bạc thì hết… cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn từ trước lại càng khó khăn hơn sau mỗi lần thất bại trở về. Tôi cũng buồn thúi ruột chứ đâu có sung sướng gì. Lo rầu đủ thứ mà không làm cách nào khác hơn được. Mổi lần thất bại trở về nhìn thấy vợ con nheo nhóc trong khi bản thân mình cũng không xoay sở gì được, là tôi lại muốn điên lên. Cũng may còn có người Dì ruột thương gia đình chúng tôi vô cùng đã cho chúng tôi một chỗ ở và đùm bọc với nhau rau mắm qua ngày. Tuy vậy những áp lực của cuộc sống hằng ngày cũng tạo cho không khí gia đình nhiều nổi bất an.Vì thế cái lo của vợ tôi là một cái lo âu thường tình. Sau mỗi lần cãi vã, tôi luôn luôn tìm cách an ủi và khuyến khích vợ tôi… và thế là chúng tôi lại thử thêm một lần nữa, mọi hy vọng đành đặt hết vào tay Phật Trời an bài.

Chuyến đi này được hình thành do một chủ ghe khoảng 45, 46 tuổi tên Tư Trầu. Tay này đàn ông mà ghiền ăn trầu còn hơn mấy bà già. Trong túi của ông ta lúc nào cũng có một gói đựng những miếng trầu têm sẵn. Đứng nói chuyện với Tư Trầu, nhìn cái miệng đỏ lòm nhai nhõm nhẻm của ông ta thấy mà phát ớn. Tuy vậy Tư Trầu rất hiền và ăn nói chửng chạc lắm. Tôi biết được ông này do một người chuyên môn lo về vụ Taxi đưa đón người đi ra cá lớn tên Tư Thêm giới thiệu. Tôi gặp ông Tư Thêm trong tù Cầu Ván, Rạch Sỏi trong lần thất bại đầu tiên. Ông Tư Thêm khoảng hơn 60 tuồi rồi nhưng còn rất khoẻ mạnh, quê ở vùng Ô Môn, Cần Thơ. Ông có dưới tay một lực lượng ghe nhỏ toàn là con cháu của ông, chuyên "bốc" khách đưa ra cá lớn, làm ăn rất uy tín trong nghề này. Trước đây ông nghèo lắm, chỉ sống bằng nghề giăng câu ban đêm, sống đạm bạc qua ngày với bà vợ bị loà hai mắt. Các con ông đã có gia đình ở riêng nhưng cũng chẳng có đứa nào khá giả gì cho lắm.

Khi phong trào vượt biên rầm rộ nổi lên, trong vấn đề tổ chức việc đưa đón khách rất là quan trọng. Đa số khách từ thành phố về, đôi khi phải "ếm" ở nơi an toàn một vài bữa trước khi đưa ra ráp nối với cá lớn. Đã có biết bao nhiêu chuyến vượt biên thất bại do taxi bị bể mà ra. Ông Tư Thêm có con cháu đông, lệnh lạc do ông nhận về truyền lại cho đám con cháu đâu đó răm rắp là một điều mà tay tổ chức vượt biên nào cũng thích cả. Ông được nhiều tay tổ chức chuyên nghiệp mời rủ tham gia vào nghề đưa đón, ếm khách này mấy năm rồi. Thắng thua cũng nhiều chuyến và cũng đã từng ngồi tù Cầu Ván, Rạch Sỏi. Khi bị bắt, một mình ông gánh chịu hết cho con cháu. Tôi nói chuyện với ông lúc trong tù Cầu Ván đã thấy ông có nét bất cần đời rồi, ông nói:

– "Qua" già rồi, sống được bao lâu nữa đâu, làm cái nghề này nguy hiểm "qua" biết chứ. Nhưng ráng làm kiếm chút đỉnh cho con cháu chứ cậu nghĩ coi, từng tuổi này "qua" còn làm cái gì ra được tiền nữa. Nếu lỡ thất bại, "qua" gánh hết cho con cháu. "Qua" hỏng có ngán mấy thằng công an này đâu. Tổ cha nó. Hồi đó tụi nó còn ở trong bưng, nửa đêm "qua" chèo xuồng tiếp tế cho nó, vậy mà giải phóng dzìa tụi nó thấy "qua", thiếu điều không thèm ỉa dzô mặt nữa.

Lúc đó trong hoàn cảnh tù tội, rảnh rỗi cứ ngồi tán gẫu nói chuyện phiếm qua ngày với nhau. Ông ta và mấy tay trong tù khoái nghe tôi kể những chuyện Tàu, kiếm hiệp, Tam Quốc Chí..v…v… giải buồn. Ông rất khoái mẫu người "trượng nghĩa anh hùng" như Đơn Hùng Tín, Quan Vân Trường… nên cứ yêu cầu tôi kể về những nhân vật này hoài, tôi thì cứ nhớ tới đâu kể tới đó, đôi khi không đầu không đuôi gì cả… vậy mà ông cũng khoái nghe lắm. Tôi còn nhớ rõ giọng nói ông nghẹn ngào bày tỏ cảm xúc thật sự khi nghe tôi kể lại lúc Trình Giảo Kim dâng rượu trong mẩu chuyện Tống Tửu Đơn Hùng Tín… Đại khái con người ông Tư Thêm như vậy đó: Bộc trực và giàu tình cảm.

Ai dè sau này tôi còn có dịp gặp lại ông! Khi được biết tôi đã thất bại nhiều chuyến và có khả năng sử dụng bản đồ, hải bàn… Ông muốn giúp tôi nhưng không có quyền quyết định nên giới thiệu qua chủ ghe Tư Trầu đồng thời cũng là tay đứng đầu trong tổ chức vượt biên lần này. Tư Trầu cũng đồng ý giúp tôi nhưng hai vợ chồng và hai đứa con thì đông quá, ông ta chỉ nhận giúp cho một mình tôi thôi.

Dù biết rằng mình được giúp cho đi không tốn kém như vậy là tốt lắm rồi, nhưng tôi cũng đành cám ơn Tư Trầu không thể chấp nhận được vì sau nhiều lần thất bại trở về, tôi đã nói với vợ tôi trước đây rằng: "Chắc số anh và thằng S. không đi được, nên bây giờ nếu có điều kiện, cơ hội đưa đẩy đến thì thà là cả gia đình mình cùng đi, sống chết gì cũng cả gia đình chịu chung chứ anh không muốn đi riêng rẽ nữa". Do đó tôi từ chối nhã ý của Tư Trầu luôn.

Câu chuyện tưởng như vậy là xong. Nhưng một hôm tình cờ tôi gặp lại ông Tư Thêm đi với Hai Tốt, con trai thứ của ông, lên Saigon có công chuyện riêng gì đó. Chúng tôi vui vẻ hỏi thăm xã giao mấy câu, bỗng ông Tư Thêm hỏi tôi:

– Cậu em nhắm xuống giữ ghe dùm cho Tư Trầu được hông?

– Có chuyện gì? Ghe làm sao mà phải giữ?

– Thằng tài công giữ ghe bấy lâu nay, nhưng bà già dzợ nó hấp hối nó phải về nhà lo cho bã. Bây giờ chỉ còn có mình thằng thợ máy phụ mới 15 tuổi nằm ở dưới, Tư Trầu hông an tâm bỏ ghe cho một thằng nhỏ như vậy. Y nhờ "qua" kiếm dùm một người, nhưng chưa kiếm ai được. Nếu cậu nhận lời thì "qua" nói dzới y rồi tranh thủ xuống liền đi. Còn nếu cậu hông nhận lời thì chắc "qua" phải cho con của "qua" đi giữ ghe quá chứ đâu có thể bỏ được.

Ông còn nói thêm cho tôi an tâm:

– Nếu cậu nhận lời, tiền công giữ ghe "qua" chắc Tư Trầu hông có trả hẹp hòi gì cho cậu đâu. Ngoài ra nhân cơ hội này biết đâu y đổi ý cho vợ con cậu đi luôn thì sao? Cái đó cũng hỏng biết chừng à nghen? Một mặt "qua" cũng sẽ nói dzô luôn cho.

Tôi suy nghĩ một lúc, đề nghị này cũng lại là một cơ hội nữa đây, nhưng đang đứng ngoài đường gần chợ Trương Minh Giảng, tôi không thể quyết định được. Chuyện này quan trọng, tôi phải bàn với vợ tôi trước, vả lại chưa chắc Tư Trầu đã đồng ý cho cả gia đình tôi đi, tôi nói với ông Tư Thêm:

– Chuyện tiền công thì tôi không màng đâu, nếu tôi nhận lời thì xuống dưới lo cho tôi ăn uống đủ rồi. Nhưng quả thật nếu Tư Trầu đồng ý cho hai vợ chồng và 2 đứa con tôi đi thì làm cái gì thêm nữa tôi cũng làm chứ đừng nói là giữ ghe không? Ngoài ra tôi cũng nói thiệt với chú là riêng tôi thì không sao nhưng chưa bàn qua với bà xã, tôi thật chưa quyết định được. Bao giờ chú về dưới? – Tôi hỏi thêm.

– Sáng mai.

– Chú cho tôi chiều nay trả lời chú được không? Tôi phải về nói chuyện với vợ tôi cái đã. À! Chú cho tôi hỏi thêm. Nếu tôi nhận lời đi xuống dưới giữ ghe thì tôi sẽ ở dưới với thân phận gì, tôi không có một tờ giấy lận lưng, làm sao ăn nói với chính quyền địa phương?

– "Chiện" đó cậu khỏi lo. Cậu xuống dưới sẽ là công nhân nhà máy xay lúa gạo. Tư Trầu có giấy tờ chứng nhận công nhân nhà máy sẵn hết rồi. Thằng Mạnh tài công ghe cũng xài giấy này hồi nào tới giờ êm re. Giấy này là giấy "thiệt" đó, chủ tịch Huyện ký có dzô trong sổ bộ đàng hoàng.

Ông vỗ vỗ vai tôi trấn an thêm:

– Đừng có lo gì mấy "chiện" này. Dzìa bàn dzới bà xã đi. Nếu cậu đồng ý thì chiều nay cho "qua" hay rồi chuẩn bị mai dzìa dưới dzới "qua" luôn. Khi xuống dưới đâu đó xong xuôi để "qua" dò ý tứ Tư Trầu coi y ta nói sao?

Ông ta hẹn tôi địa điểm liên lạc buổi chiều hôm đó rồi chúng tôi chia tay.

Ngay sau khi từ giã hai cha con Tư Thêm, tôi về nhà bàn với bà xã tôi ngay. Thật ra tôi đã quyết định đi xuống dưới đó một chuyến xem tình hình ra sao, lúc đó có dịp gần gủi Tư Trầu sẽ mở ý thẳng với ông ta xin cho cả gia đình đi luôn, còn không được nữa thì thôi cũng không mất mát gì. Tôi chỉ không muốn bỏ lỡ cơ hội như thế này.Vợ tôi nghe nói cũng phân vân, nhưng tôi thuyết phục vợ tôi là dù sao tôi cũng nên đi xuống dưới xem tình hình ghe cộ thế nào, nếu may Tư Trầu đồng ý thì mình cũng biết ít nhiều về chuyện này còn hơn là không. Còn nếu không được thì tôi lại trở về, cứ thử thời vận một lần nữa xem sao… Vợ tôi cuối cùng đồng ý.

Thế là chiều hôm đó tôi báo tin cho ông Tư Thêm. Qua sáng hôm sau, 3 người chúng tôi đi về Trà Vinh, con cá lớn đang nằm ụ ở đó. Tư Thêm dẫn tôi đến ngay bến chỗ ghe đang đậu, giới thiệu tôi với thằng phụ máy tên Hiếu, bảo tôi cứ ở đó chờ một chút ông ta sẽ trở lại. Nhìn thấy "dung nhan" của con cá lớn tôi không khỏi ngao ngán, "ban ngày ban mặt" trông nó còn nhỏ hơn tôi tưởng tượng nhiều!! Nó lại không phải là loại ghe đi biển chuyên nghiệp mà chỉ là loại ghe lớn đi trên sông nhưng được cải biến trước mũi để có thể lướt sóng, mà người ta gọi là mũi Thái Lan. Hai bên hông được be cao lên thêm để có thể cản bớt sóng… So với chiếc ghe tôi đã biết trong những chuyến vượt biên trước đây thì chiếc ghe này quả thật nhỏ hơn nhiều. Trong khi chờ đợi, tôi vào trong buồng lái trò chuyện với thằng Hiếu. Tôi đã được ông Tư Thêm cho biết trước thằng Hiếu này là phụ máy đi theo tài công trên ghe chở lúa gạo cho nhà máy xay Châu Thành bấy lâu nay , trong vấn đề vượt biên lần này nó hoàn toàn không biết gì hết. Nó chỉ biết theo giữ chiếc ghe lên nằm ụ để sửa chữa máy móc và tu bổ thêm vậy thôi. Dân chúng và công an địa phương cũng không ai để ý gì vì ghe nằm ụ ở giáp ranh của Cần Thơ và Trà Vinh nằm sâu trong nội địa, biển còn xa lắc xa lơ, nói chung không ai nghi ngờ đây sẽ là ghe vượt biên cả… Vả lại ở chỗ này lại là nơi tập trung nhiều ụ sửa chữa ghe cộ, nhiều chiếc chủ ở rất xa cũng kéo về đây sửa chữa. Ghe lại có giấy tờ đầy đủ thì không có gì phải sợ cả.

Khoảng hơi xế chiều thì ông Tư Thêm trở lại, ông kêu thằng Hiếu chạy đi ra chợ nhỏ gần đó mua chút đỉnh đồ về nấu cơm ăn và nhậu chơi. Đợi thằng Hiếu đi rồi, ông cho tôi biết đã báo cáo với Tư Trầu là tôi nhận lời giữ ghe dùm, ông nói chuyện của tôi để từ từ khi có cơ hội ông sẽ tìm cách nói với Tư Trầu cho, bây giờ y ta lu bu quá không tiện mở miệng nói. Ông căn dặn tôi mỗi ngày ở trên ghe không được đi đâu hết, công an phường khóm có tới hỏi giấy tờ ghe thì đưa ra. Ghe này hiện nay trên danh nghĩa là ghe của nhà máy xay lúa gạo Châu Thành ở Cần Thơ. Giấy tờ hiện thằng Hiếu đang giữ, ông sẽ nói nó đưa lại cho tôi. Còn thằng Hiếu ở đây chịu trận cả tháng rồi, ngày mai Tư Trầu cho nó về thăm nhà. Ông lại còn nhắc tôi:

– Nếu có ai hỏi han gì tới cậu, kể cả mấy thằng công an địa phương thì cứ nói là cậu ở Huyện Ô Môn đi qua giữ ghe cho nhà máy trong khi sửa chữa. Giấy tờ "qua" đưa cho cậu là giấy "thiệt" có chứng nhận ở Huyện Ô Môn đàng hoàng đó. Cho nên không có gì phải sợ hết nghen.

Ông ta đưa cho tôi một tờ giấy do Chủ Tịch Huyện Ô Môn chứng nhận tôi tên là Nguyễn Thanh, tự Ba Thanh ở xã Phước Thới, Huyện Ô Môn là công nhân của nhà máy xay lúa gạo Châu Thành, Cần Thơ. Đi công tác tu bổ, sửa chữa ghe cho nhà máy tại Thị Xã Trà Vinh. Tờ giấy chứng nhận không có hình ảnh gì hết và nhìn qua thấy chẳng có giá trị gì cả, nhưng ông Tư Thêm cứ luôn miệng nói:

– Giấy này là giấy "thiệt" đó nghe cậu. Do Chủ Tịch Huyện ký có dzô sổ đàng hoàng. Cậu em đừng có sợ gì hết. Dzới lại tin "qua" đi, không ai hỏi han gì cậu hết đâu.

Tôi xếp tờ giấy bỏ vào túi mà cảm thấy không tin tưởng vào nó chút nào! Nhưng quả nhiên như lời Tư Thêm nói, cả tuần lể ở đó coi chừng ghe không ai thèm để ý tới tôi cả. Thằng Hiếu được cho về nhà ngay ngày hôm sau. Trước khi về, theo lệnh của Tư Thêm, nó đi chợ mua đủ thứ cho tôi chất trong khoang hầm. Có người thay thế giữ ghe cho nó về, nó khoái quá nên đi liền, không thắc mắc gì cả. Còn mình tôi, suốt ngày chỉ nằm trong khoang. Hết ăn lại ngủ. Không dám đi đâu cả. Có hai tay thợ máy thỉnh thoảng tới lui sửa chữa gì đó trong hầm máy, xong lại đi. Họ chỉ chào hỏi tôi mấy câu xả giao rồi việc ai nấy làm. Nói chung khi biết tôi là người của nhà máy xay lúa gạo Châu Thành gởi tới nằm giữ ghe, họ cũng chẳng thắc mắc gì tới tôi hết. Buồn buồn không biết làm gì, tôi đi xuống khoang hầm, cầm đèn bão lần theo mấy vết chai ở những chỗ ráp nối mấy miếng ván xem chai có trét kỹ không, có chỗ nào nứt không. Lòng cứ nghĩ thầm, biết đâu mình sẽ đi vượt biên trên chiếc ghe này, cẩn thận coi có vết chai nào bị nứt hoặc trám không kỹ thì sẽ cho họ hay sau để họ trét lại kỹ càng cũng an tâm hơn.

Được 1 tuần thì Tư Trầu với Tư Thêm tới. Ông ta vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa hỏi tôi có gì lạ không?? Có ai tới hỏi han gì không?? Tôi cho biết là không có gì cả…đồng thời báo cho Tư Trầu mấy chỗ chai trét bị nứt trong hầm mà tôi phát hiện… Cả hai chui xuống xem xét một hồi rồi leo lên vỗ vai tôi cười:

-Mấy chỗ đó không có gì đâu, ghe nào lại không bị mấy chỗ như vậy. Tại bên trong khoang hầm nóng quá thì ghe nào cũng phải bị vậy thôi nhưng không sao cả, còn tới mấy lớp chai lận.

Cả hai cứ cười chọc tôi chuyện đó hoài làm tôi cảm thấy cũng quê quê.

Nhân cơ hội này ông Tư Thêm nói với tôi ngay trước mặt Tư Trầu:

– "Qua" nói dzới y rồi. Y bằng lòng, như vậy là cậu em chịu trách nhiệm "đề lô" phải không?

– Chuyện này thì tôi làm được. Có đồ nghề sẵn cho tôi thì không thành vấn đề với tôi. Anh đã có đồ nghề chưa? –Tôi hỏi Tư Trầu, ám chỉ bản đồ, hải bàn và thước đo tọa độ..

-Chưa! Thằng Mạnh tài công nói nó kiếm được. Bị "chiện" bà già dzợ nó bịnh đây không biết ra sao nữa? Để tui hỏi lại coi. Nếu nó kẹt lo cho bà già dzợ nó. Em kiếm cho tui được không?

– Được, tôi kiếm mua cho mấy tay trước đây mấy lần rồi.Có điều giá cả đôi khi tụi nó thay đổi, lên xuống chút đỉnh không biết trước được.

-Giá cả xê xích chút đỉnh thì không sao. – Tư Trầu nhai nhóp nhép, suy nghĩ một chút rồi nói với tôi – Thôi dzầy đi. Chờ thằng Mạnh này rủi tới giờ chót trở quẻ thì "giựt con mắt" lắm. Em lo cho tui chiện này đi, được không? Tui sẽ cho người liên lạc dzới em dzề chiện này. Tiền bạc tới đó sẽ có người lo cho em. Còn chiện của em, chú Tư Thêm có nói dzới tui rồi. Như dzậy đi. Cho dzợ chồng em dzới hai đứa nhỏ "oánh" luôn đó. Ráng giữ ghe thêm mấy bữa nữa chờ tui đưa người tới lấy ghe xong thì mới dzề thành phố nghen. Chịu khó, đừng bỏ đi đâu nghen .

– Anh yên tâm đi, chỗ này lạ nước lạ cái tôi cũng không muốn đi đâu hết.

– Như dzậy đi há.

Dặn dò xong xuôi ông ta phun một bãi nước trầu đỏ lòm xuống bờ sông rồi cùng Tư Thêm bỏ đi mất.

Tôi mừng quá, như vậy là điều tôi mong muốn đã đạt rồi. Nghĩ lại số mình cũng còn may mắn đi đâu cũng có người giúp đỡ, chứ thời buổi này kiếm đâu ra người chịu cho gia đình tôi đi không như vậy?

Sau lần giữ ghe ở Trà Vinh đó. Tôi về lại Saigon báo cho vợ tôi hay tin mừng đó. Sau đó mấy bữa, quả nhiên có người do Tư Trầu phái lên gặp tôi để nhờ tôi mua dùm "Giấy, đồng hồ, thước kẻ", chuẩn bị cho ngày đi. Cũng như những lần trước, chuyện này tôi thực hiện dễ dàng. Sau đó chúng tôi còn liên lạc với nhau mấy lần nữa cho tới ngày hẹn.

Đã được hướng dẫn từ trước nên đến ngày hẹn, hai vợ chồng tôi và 2 đứa con cứ thế mà ra Xa Cảng Miền Tây đón xe đi Cần Thơ. Theo như kế hoạch thì chuyến vượt biên này chúng tôi sẽ lên cá lớn ngay trên sông Hậu Giang và từ đó chạy qua Trà Vinh đi ra cửa biển Định An. Những cánh "bốc quân" của mấy tay đưa taxi khác không biết ở đâu, nhưng riêng vợ chồng tôi sẽ được đón ngay tại bắc Cần Thơ. Sau khi xe đò tới bắc Cần Thơ, chúng tôi xuống xe, vào một quán cơm ven đường ngay tại bắc Cần Thơ ăn cơm trưa đồng thời chờ đến giờ hẹn. Còn khá sớm nên chúng tôi cứ chẩm rải ăn uống. Ngay tại bắc Cần Thơ, người người lủ lượt đi đi lại lại rất đông đảo, không ai chú ý tới chúng tôi cả, vả lại nơi đây không có gì phải sợ. Chờ tới khoảng 1 giờ 30 chiều, tôi mới trả tiền và dẫn vợ con xuống bến phà. Ngay tại dưới bến đã có Hai Tốt cặp ghe chờ sẵn rồi. Tôi đã gặp Hai Tốt một lần khi anh ta lên Saigon với ông Tư Thêm trước đây nên khi nhận ra anh ta từ xa, tôi cứ đi thẳng tới. Chúng tôi chào hỏi với nhau rất tự nhiên và bước xuống ghe, ai nhìn vào cũng ngỡ là Hai Tốt và chúng tôi là bà con với nhau.

Hai Tốt là một thanh niên trẻ khoảng 24, 25 tuổi, tướng tá nhỏ người. Miệng lúc nào cũng như có vẻ cười nên trông gương mặt gã rất vui vẻ. Chiếc ghe đón chúng tôi là loại ghe có khoang lợp bằng lá dừa nước, ngồi bên trong mát và khuất, ít bị người trên bờ chú ý tới. Kiểu ghe này dành cho những gia đình sinh sống luôn dưới ghe, nên bên trong có sẵn gạo mắm muối, mền gồi đầy đủ. Nhờ thế vợ con tôi cũng đỡ vất vả. Còn tôi thì ra chèo mũi phụ với Hai Tốt băng ngang qua sông Cần Thơ.

Từ bên này bờ chúng tôi chỉ nhìn thấy một vệt lờ mờ phía bên kia bờ. Chiếc ghe trên sông trông giống như một chiếc lá nhỏ, có vẻ mảnh mai yếu đuối và dễ lật quá, nhất là những lúc có những tàu, ghe lớn chạy qua, dù từ đàng xa nhưng cũng tạo thành nhiều đợt sóng làm chiếc ghe chao đảo dữ dội. Không quen với những cảnh chòng chành của ghe như thế, chúng tôi cứ giật mình hoài , nhưng Hai Tốt thì vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Anh chàng ta đã quen với sông nước quá rồi!

Khi đứng trong bờ nhìn ra đã thấy con sông Cần Thơ giáp nối với sông Hậu rộng lớn vô cùng, nhưng khi ra giữa dòng nhìn lại thì thấy nó còn mênh mông hơn nhiều. Ai đó đã ví von "Chiếc lá giữa giòng" thật là đúng với trường hợp này. Chiếc ghe của chúng tôi nhỏ nhoi giống y như một chiếc lá giữa giòng, tôi có cảm tưởng như đang đi trên biển chứ không phải sông nữa. Bốn bề chỉ thấy trùng trùng điệp điệp một màn trời nước bao la tưởng như vô cùng tận. Sông Cần Thơ quả thật lớn quá. Phải mất hơn 4 tiếng rưỡi đồng hồ ghe chúng tôi mới tới được điểm Hai Tốt muốn tới ở bờ bên kia!

Trời cũng vừa sụp tối. Hai Tốt tấp vào một con rạch nhỏ, neo ghe lại đó để ăn cơm.Trước đó khi còn trên sông lớn, Hai Tốt đã chỉ vợ tôi lấy gạo trong một cái khạp nhỏ và đã nấu cơm xong, đồ ăn thì có cá lóc kho sẵn và dưa leo. Hai Tốt cho chúng tôi biết theo như kế hoạch, khuya nay gã sẽ chèo ghe ra điểm hẹn chờ cá lớn đến ngay sát bên sông Hậu Giang và từ đây cá lớn sẽ chạy suốt đêm, băng ngang qua Trà Vinh rồi đi ra cửa Định An. Tôi hỏi anh ta:

– Chỗ "đánh" tối nay gần đây không?

– Hỗng xa lắm, nhưng cũng phải đi thêm độ 1 tiếng nữa. Anh chị cứ cho mấy đứa nhỏ ăn uống thoải mái, nghỉ ngơi một chút rồi mình đi.

Tôi hỏi thêm Hai Tốt về tình hình kế hoạch tối nay thì anh ta không biết rõ lắm, nhưng theo như những gì gã nghe nói thì tối nay khoảng 9 giờ tối, ghe lớn sẽ đến điểm hẹn bốc "hàng", từ đây cá lớn sẽ chạy thẳng ra biển luôn. Theo dự trù thì ra đến cửa biển Định An trước khi trời bắt đầu sáng. Trong bụng tôi thấy không an tâm với lối bốc hàng sâu trong nội địa như thế này, vì từ đây chạy thẳng ra biển còn xa quá. Hình như đoán được sự lo lắng của tôi, Hai Tốt cười nói:

-Tư Trầu "oánh" mấy "chiến" như dzầy rồi. Thắng đủ mấy "chiến"! Tui nghe Tư Trầu nói "chiện" dzới ba tui là bốc hàng sâu trong này ít bị để ý. Lúc bốc hàng là lúc căng nhất, vì lộn xộn và ồn ào lắm. Còn một khi hàng nằm hết trên cá lớn rồi thì phẻ re, cứ như dzậy mà chạy ra biển thôi. Ba tui nói "chiến" nào Tư Trầu cũng có mua bãi đáp hết nên "oánh" êm lắm.

– Hồi đó giờ em có đưa taxi chuyến nào cho Tư Trầu chưa?

– Có chứ sao hông? Đâu có "chiến" nào sót tui! Ba tui "mần" taxi cho Tư Trầu mà. "Oánh" trong này đi taxi êm hơn ở dzùng gần biển, ít bị ai để ý.

Chúng tôi ăn uống xong, ngồi nghỉ ngơi một chút chờ đến khoảng 7 giờ 30 tối thì bắt đầu di chuyển. Hai Tốt đứng sau ghe chèo đôi dọc theo bờ sông Hậu. Tiếng mái chèo vỗ vào nước phát ra những tiếng róc rách đều đều nghe nhàm chán đến độ buồn ngủ. Ban đêm gió trên sông thổi mát lạnh, tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao mà không khỏi liên tưởng đến những đêm vượt biên trước đây. Bầu trời hình như cũng vẫn vậy, nhưng chúng tôi đang ở vào một chặng đường khó khăn khác mà trong phút chốc đây không biết sẽ ra sao??

Nhìn từ bờ bên này ngược về phía bắc Cần Thơ xa xa chỉ thấy một vệt sáng mờ mờ. Chiếc xáng cạp khổng lồ xúc cát nạo vét lòng sông lúc chiều ghe chúng tôi đi ngang qua, nay chỉ còn là một hình thù kỳ dị, đứng sừng sửng đen ngòm giữa nền trời sông nước, với hai ngọn đèn đỏ trên cao như hai con mắt thò lỏ của một loài ma quái nào đó, báo hiệu cho các ghe tàu khác nhìn thấy phải sợ mà tránh ra xa. Thỉnh thoảng một vài chiếc ghe bầu chở lúa khẩm đến độ be ghe muốn chạm tới mặt nước, từ phía ngoài sông vượt qua mặt chúng tôi, tiếng máy nổ xình xịch vang lại từ xa nghe như thể tiếng thở nặng nề của con trâu già hậm hực kéo lê chiếc cày quá nặng trên một miếng ruộng khô cằn! Ban đêm nhìn những chiếc ghe bầu này có cảm tưởng như những pháo đài bí mật, phủ vải đen ngòm trôi dật dờ trên sông! Cảnh vật trên sông sao mà im lìm buồn não nuột, lại trúng vào tâm trạng lo âu, bất an của chúng tôi nên cảnh vật lại càng có vẻ thê lương hơn.

Bên trong khoang, ngọn đèn bão nhỏ móc trên một cọng kẻm bẻ cong, hiu hắt soi dáng vợ tôi đang dỗ đứa con gái ngủ sao mà thảm thương chi lạ! Ngó qua nhìn thấy đứa con trai đang ngồi một mình bên góc chiếu trong khoang, thấy tội nghiệp thằng bé quá. Nó là đứa chịu cực với tôi trong vấn đề vượt biên này nhiều nhất qua mấy chuyến đi từ trước tới giờ. Tôi lom khom chui vào trong khoang, chen chúc ngồi ghé xuống cạnh chỗ ra vào, ôm thằng bé trong lòng hỏi nhỏ:

– Hồi nãy con ăn cơm no không?

Nó gật gật cái đầu, tay vẫn còn nghịch nghịch món đồ chơi nhỏ trên tay.

– Con chơi một chút rồi ngủ đi nghe, chứ đêm nay mệt lắm không có ngủ được đâu.

Thằng bé dạ một tiếng nhỏ, nhưng mắt vẫn không rời món đồ chơi. Nhìn con trai rồi nhìn vợ đang ngồi dỗ đứa con gái, lòng tự nhiên thấy buồn kinh khủng,tôi bò ra phía sau chỗ Hai Tốt hỏi nhỏ gả có muốn tôi phụ gì không?

– Hông! Một mình tui chèo quen rồi. Phẻ re, hỏng có gì đâu? –Gã cười rồi nói thêm – Anh dzô trong khoang nghỉ đi, hay ra phía trước ngồi cho cân ghe tui dễ chèo hơn. Gần tới tui cho anh hay.

Tôi lại bò ngược lại, muốn dành cả khoang trống cho vợ và hai đứa nhỏ có chỗ ngả lưng nên chui qua khoang ra thẳng đàng trước mũi ngồi ngó mênh mông, thỉnh thoảng quơ quơ cây dầm cho có lệ chứ chẳng biết làm gì khác hơn!

Ghe cứ thế lầm lủi tiến từ từ về phía trước trong đêm tối. Chuyến đi này tuy cũng lo âu, thấp thỏm, nhưng tôi không có cảm giác quá hồi hộp như những lần trước, vì ở đây xa biển, không ai nghi ngờ ghe chở người trốn đi vượt biên ở chỗ này cả. Nếu có bị xét hỏi thình lình, cũng không có gì phải sợ. Nhưng nghĩ đến khi nằm trên ghe lớn từ đây đi ra cửa biển Định An quá xa chắc chắn là hồi hộp lắm, vì sẽ đi qua biết bao nhiêu là trạm thu thuế nông sản và những đồn công an địa phương… Tôi không khỏi nghĩ ngợi, lo lắng lung tung. Hai Tốt rẻ vào một nhánh sông nhỏ và chèo dọc theo sát bờ bên phải. Chúng tôi đi khoảng hơn một tiếng thì ra lại sông lớn, đây là ngã ba tiếp giáp với sông Hậu Giang. Hai Tốt nhẹ mái chèo tấp ghe vào một cái vàm khuất sau khóm dừa nước lớn và neo ghe lại đó. Tôi lồm cồm bò ra phía sau chỗ Hai Tốt. Bên trong khoang hai con tôi đã ngủ, vợ tôi đang ngồi quạt muổi cho hai đứa nhỏ, thấy tôi liền hỏi nhỏ:

– Tới chỗ rồi hả?

– Anh cũng không biết nhưng chắc có lẻ vậy. Em ngồi đây với hai con đi, anh ra phía sau nói chuyện với Hai Tốt xem sao?

Được một cái là nơi đây ít muổi nên hai đứa nhỏ ngủ yên. Qua ngọn đèn vàng vọt tôi nhìn nhanh xuống gương mặt dễ thương của hai con rồi chui ra đàng sau ngồi xuống cạnh Hai Tốt hỏi nhỏ:

– Tới nơi rồi hả?

– Ừ! Tối nay mình lên ghe lớn ở phía ngoài ngã ba sông. -Gã giơ tay chỉ về phía trước – Bây giờ mình ở đây chờ.

– Em biết còn bao lâu nữa không?

– Chắc hông lâu lắm đâu. Ba tui nói khoảng 9 giờ tối thì cá lớn tới.

Trên sông vắng hoe, gió từ sông Hậu Giang thổi vào lạnh cả người. Chúng tôi ngồi sau mũi yên lặng chờ đợi. Chung quanh tiếng côn trùng rỉ rả không ngớt, thỉnh thoảng tiếng cá đớp bóng đâu đó cộng với đom đóm bay chập chờn trên sông làm cho cảnh vật có vẻ thê lương một cách kỳ lạ. Tôi hỏi nhỏ Hai Tốt:

– Để đèn sáng trong khoang có sao không?

Hai Tố cười:

– Ghe cộ đi trên sông ban đêm để đèn là thường mà. Nói vậy chứ không có sao đâu. Anh yên tâm đi. Ở đàng xa nhìn lại hông thấy gì hết đâu. Mà có thấy cũng đâu có gì phải sợ, hông có ai nghi ngờ gì ở chỗ này đâu?

Nói xong anh ta móc bao thuốc Hoa Mai ra mời tôi một điếu rồi mồi bật quẹt hút thuốc tỉnh bơ. Nghĩ lại đúng là tôi có tật hay giật mình đôi khi quá lo xa. Ở đây là địa phận Cần Thơ, người di chuyển trên sông rạch chằng chịt suốt ngày đêm. Ai mà để ý tới tụi tôi đang âm mưu vượt biên ở đây đâu mà sợ. Tôi cảm thấy yên tâm hơn nên cũng đốt thuốc ngồi hút với Hai Tốt.

Khoảng độ 30 phút sau, con cá lớn từ từ lộ diện ngay ngã ba sông nổi bật lên một hình thù đen ngòm trên nền sông nước xa xa. Trong bóng đêm trông nó cũng bình thường như những ghe lớn khác trên sông. Hai Tốt hích cùi chỏ ra dấu cho tôi biết, rồi nói nhỏ:

– Anh nói chị chuẩn bị đi. Tới rồi đó. Đợi đèn báo hiệu là mình xông ra liền nghen.

Tôi bò vào khoang bảo vợ tôi chuẩn bị cho cho đứa con gái lúc đó đang ngủ say. Còn tôi thì chụp cái túi xách nhỏ rồi định bế thằng con trai lên, nhưng thấy nó đang ngủ ngon lành nên tôi không nở đánh thức nó dậy sớm quá . Tôi nói với vợ tôi:

– Cứ để cho thằng S. nằm ngủ thêm chút nữa đi, chưa có gì đâu. Đừng đánh thức nó dậy sớm làm gì. Anh sẽ ra chèo mũi phụ với Hai Tốt khi nào gần tới, em đánh thức nó dậy rồi anh sẽ vào bế nó sau. Phần em thì lo cho bé T. nghe.

Sau đó tôi lom khom ra trước mũi. Chúng tôi chờ cho đèn báo hiệu an toàn trên ghe lớn ra dấu xong xuôi, hai đứa cắm đầu cắm cổ chèo thật nhanh về phía cá lớn. Nhưng không biết từ lúc nào, gần như tất cả mọi phía cùng một lúc đổ xô ra mấy chục chiếc ghe, tất cả đều hối hả hướng về chiếc ghe lớn. Chỉ không đầy 5 phút trên ngã ba sông đã đen nghẹt những ghe xuồng đủ cở chùm nhum lại với nhau chật cả một khúc sông vắng.

Đã bắt đầu nghe có tiếng ồn ào phía trước khi ghe chúng tôi hãy còn ở mãi tuốt đàng sau. Nhìn thấy số lượng ghe nhỏ đang hướng về chiếc ghe lớn, tôi không khỏi lo ngại. Con số đông quá! Khi đi giữ ghe lúc trước, tôi đã biết con cá lớn này "lớn" cở nào rồi, với số người trên tất cả các ghe nhỏ này đổ lên thì chỗ nào mà chứa cho nổi!! Nếu không tới trước thì sẽ gặp khó khăn khi leo lên ghe lớn vì chắc chắn sẽ đông người bám vào lắm. Đã vậy chiếc ghe của Hai Tốt chở chúng tôi là loại ghe có khoang dùng cho gia đình sinh sống. Tốc độ của ghe chúng tôi không bằng được những chiếc xuồng ba lá nhỏ nhắn nhưng lướt rất nhanh, nên chẳng mấy chốc tôi thấy chiếc ghe của chúng tôi tụt lại phía sau dù Hai Tốt và tôi đã ra sức chèo cật lực. Mấy chiếc xuồng phía trên càng lúc càng gần vào ghe lớn bỏ lại chúng tôi còn lủi thủi phía sau. Phía trước ghe lớn đã bắt đầu bốc người lên rồi. Chúng tôi quính lên càng ra sức chèo. Khi ghe chúng tôi gần tới thì phía trước mặt đã dầy đặt các ghe xuồng bao chung quanh chiếc ghe lớn, không cách gì chúng tôi chen vào được. Tiếng người la hét cải cọ, chưởi bới đã nổi lên um sùm.Tôi than thầm trong bụng: "Điệu này không xong rồi!! Hỗn loạn như vầy thì chưa lên tới ghe lớn đã bị bể rồi!"

Khi ghe chúng tôi tiến sát vào thì không còn có một lối nào có thể tiếp cận vào ghe lớn được nữa. Mấy chiếc xuồng ngay phía trước tôi cũng loi ngoi cố lèo lách để tiến cho bằng được vào trong, không ai nhường ai tạo thành một cảnh hỗn loạn chưa từng có. Những người trên ghe lớn cố kéo những người trên những chiếc xuồng tiếp cận sát bên hông lên, nhưng vẫn không xuể vì số người bám vào hai bên hông nhiều quá. Ngay cả những chiếc xuồng trống cũng là một cản trở. Tiếng la hối thúc, chưởi rủa nổi lên đủ mọi hướng, đại khái như sau:

– Đạp mấy chiếc xuồng trống ra ngoài. Tránh ra, tránh ra. Đ.M. lên được rồi không chịu đạp dùm xuồng trống ra ngoài, làm sao người khác dzô được.

– Mày là khách của ai?? Đ.M. tụi bây đi hôi mà còn muốn lên trước hả???

– Ghe chật hết rồi. Không lên được nữa. Buông tay ra, buông ra đi. Té chết bây giờ…

– Hai ơi, Hai ơi. Mày ở đâu. Tránh ra tránh ra..Làm ơn kéo dùm em tôi lên với. Hai ơi, mày nghe thấy tao không? Lên tiếng coi…

Tiếng con nít la khóc nổi lên và tiếng người lạc nhau, la hét kêu gọi tên người thân càng lúc càng ồn ào không gì kềm chế được nữa!!!

Trong khi đó ghe chúng tôi vẫn không cặp vào được, mấy ghe xuồng nhỏ phía trước lấy dầm chỏi mạnh mũi ghe của chúng tôi dang ra để lấy đà tiến lên phía trước. Tôi thấy tình hình này nguy hiểm quá, vả lại không cách nào vào được sát ghe lớn. Hai đứa con tôi trong khoang đã bắt đầu la khóc. Vợ tôi cũng sợ quá gọi tôi, giọng mếu máo:

– Kiểu này không được đâu anh ơi. Có tắp vô được thì không cách gì em với hai đứa nhỏ leo lên được đâu. Anh chen lấn lên được thì chắc mình cũng bị lạc. Thôi bỏ đi. Bỏ đi. Cái gì mà dành giựt thấy dễ sợ quá. Thôi bỏ đi anh ơi. Không làm sao leo lên ghe được đâu. Em sợ quá.

Tôi cũng hoảng hồn không ngờ được tình trạng quá sức hỗn loạn như thế này. Kiểu này không xong rồi. Đừng nói là chúng tôi còn kẹt bên ngoài, dù có tiếp cận được vào ghe lớn, chưa chắc cả gia đình chúng tôi lên được hết trên ghe lớn. Thất lạc nhau là cái chắc. Đang còn hoang mang, tôi lại nghe tiếng những tiếng la:

– Đ.M. tụi bây làm quá ghe chìm bây giờ. Mở máy chạy đi. Tài công đâu, mở máy chạy lẹ đi. Chết hết bây giờ.

– Ê làm gì mà xô tui. Ông lên được thì sao tui lên hông được…

Đại khái cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ như vậy đó. Tiếng la hét lẩn tiếng con nít khóc rần trời, ồn ào cả một khúc sông rộng.

Tôi bước trở lại đứng thẳng trước khoang nói lớn với Hai Tốt ở phía sau:

– Không xong rồi Hai Tốt ơi. Quay ghe lại đi. Không thể nào lên ghe lớn được nữa đâu. Đứng lớ ngớ đây một chút là chết liền bây giờ. Quay lại ngay đi.

Nói thì nói vậy chứ cũng không phải là dễ quay ghe lại với tình thế này. Mũi ghe của chúng tôi trong lúc dằn co cố gắng chen vào đám đông lúc nãy đã vướng dính với mấy chiếc xuồng khác khó mà rút ngay ra được. Tôi la lớn với mấy người chèo xuồng trước mặt.

– Bỏ đi đi, chết hết bây giờ. Ồn ào như vầy, công an tới bắt hết cả đám bây giờ.

Tôi vừa la vừa ngồi xuống sát mũi ghe, giơ chân đạp chỏi mạnh lên chiếc xuồng bên cạnh để chiếc ghe của tôi có thể nhích lui lại một chút, trong khi đàng sau Hai Tốt cố gắng chỏi ngược mái chèo đi lui lại. Với cách như thế, nhích từng chút một chiếc ghe của chúng tôi cũng ra khỏi được đám đông hỗn độn đó. Ngay lúc đó tôi nghe tiếng máy ghe nổ lớn rồi chiếc ghe lớn bắt đầu chạy lôi theo nhiều người còn đang đeo bám bên hông. Tiếng la hét lúc này còn ầm ỉ hơn trước nữa. Hình như có mấy người rớt xuống nước, tôi nghe có tiếng kêu cứu ầm ỉ ở phía đám đông bát nháo đó.

Không còn lòng dạ nào nghĩ tới chuyện gì khác, chúng tôi phải lánh xa chỗ này ngay. Vừa cố gắng chèo cật lực ở phía trước mũi, tôi vừa la lớn thúc hối Hai Tốt:

– Hai Tốt! Mình phải đi ra khỏi chỗ này ngay. Tôi bảo đảm chỉ một chút công an kéo tới đầy hết cho xem.

Hồn vía Hai Tốt lúc đó chắc cũng không còn lưu luyến gì với cảnh này. Không nghe anh ta trả lời gì cả, nhưng tôi chắc bao nhiêu sức lực của gã lúc bấy giờ đều cho ra hết trên đôi tay chèo. Con cá lớn lúc đó đã xả hết tốc lực bỏ chạy đi khá xa, không chiếc xuồng ghe nào đuổi kịp nữa. Trên sông chỉ còn sót lại những chiếc xuồng không người trôi dật dờ tản mác khắp nơi, trong khi nhiều chiếc ghe giống tình trạng chúng tôi không "chất hàng" lên cá lớn được cũng đã thất vọng, bắt đầu tìm đường rút lui. Tiếng ồn ào giảm nhiều nhưng vẫn còn tiếng la khóc, gọi tên tìm người thân bị lạc đâu đó vang lên không ngớt.

Thật là một cảnh tượng kinh hoàng và bi đát vừa diễn ra trên ngã ba sông! Tôi tự hỏi không biết có người nào chết khi rơi xuống sông lúc nãy hay không và có bao nhiêu người bị thất lạc người thân trong cảnh vừa rồi?? Lòng dạ tôi còn bàng hoàng, sững sốt lẩn nổi sợ hãi… làm cho trí óc tôi trơ cứng ra trong một trạng thái mơ hồ không tự chủ được. Tôi quả thật không bao giờ ngờ lại xảy ra cảnh hỗn loạn đến như thế! Vợ và con tôi vẫn còn khóc rấm rức trong khoang mà tôi cũng không biết phải làm sao để an ủi.

Chiếc ghe của chúng tôi quay về hướng cũ, đâm vào nhánh sông nhỏ lúc nãy, lủi trốn như con thú bị thương! Hai Tốt cũng không nói lời nào. Chúng tôi cứ thế mãi miết chèo. Hai Tốt rẽ tới rẽ lui mấy lần qua những khúc sông nhỏ, tôi không rõ là chúng tôi đang đi đâu nhưng tôi không cần biết, chỉ mong sao đi càng xa chỗ vừa rồi càng tốt. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ghe chúng tôi ra một con sông thật lớn. Tôi hoàn toàn mù tịt không biết đây là đâu. Hai Tốt nhẹ tay chèo, tấp ghe vào một bãi lục bình thật lớn sát bờ sông và cắm sào nghỉ ngơi. Lúc này tôi mới phát giác người tôi ướt nhẹp mồ hôi. Té ra trong lúc quá sợ hãi khi nãy, tôi đã ra sức chèo cật lực đến độ gió ban đêm mát lạnh trên sông cũng không đủ ngăn mồ hôi tôi tuôn ra ướt hết áo hồi nào không hay! Tôi giơ tay lên vuốt mặt mới cảm thấy hai cánh tay mình mỏi nhừ, lòng vẫn chưa hết bàng hoàng vì chuyện xảy ra vừa rồi.

Tôi bò vào trong khoang hỏi thăm vợ con thì thấy hai con tôi đã được dỗ ngủ trở lại, nhưng vợ tôi thì vẫn còn thút thít khóc. Tôi biết vợ tôi vẫn còn ám ảnh cảnh tượng vừa rồi, đồng thời lo lắng cho tương lai sắp tới… Lòng tôi đau đớn vô cùng nhưng không biết phải nói gì để an ủi vợ trong lúc này. Trước khi đi, hai vợ chồng tôi đã có cầu nguyện Phật Trời, trong lời cầu nguyện chúng tôi đã cầu xin ơn trên cho chúng tôi đi được trót lọt, êm xuôi… còn nếu lỡ thất bại thì xin thà cho chúng tôi chết ở giữa biển cả, chứ đừng để chúng tôi phải thất bại trở về như những lần trước, chúng tôi sẽ khổ sở lắm. Lời cầu nguyện đó là lời cầu nguyện rất thành thật. Có ai ở vào cảnh ngộ chúng tôi mới hiểu được tại sao chúng tôi đã cầu nguyện như vậy. Nhưng nay rõ ràng chúng tôi lại thất bại trở về nữa rồi! Tôi đặt tay lên vai vợ bày tỏ lòng cảm thông nhưng không nói được một lời nào trong khi hai mắt đã bắt đầu cay xè.

Sau đó tôi chui ra khỏi khoang ra phía sau. Hai Tốt chắc có lẽ cũng mệt đừ, đang ngồi yên lặng như người mất hồn, tôi lên tiếng hỏi:

– Đây là đâu vậy Hai Tốt?

– Gần Huyện Thốt Nốt, Cần Thơ.

Tôi nhắc lại chuyện hồi nãy:

– Đánh đấm gì mà hỗn độn như vậy. Nguy hiểm quá. Sao mà kỳ vậy Hai Tốt??

– Tụi canh me đi quá đông. Như vậy tui chắc là có ai lộ ra bãi đáp rồi.

Tôi giật mình. Đúng rồi. Hồi nãy la hét rùm trời có ai đó đã la lên vấn đề "đi hôi" này rồi, có lẻ lúc đó căng thẳng quá nên tôi không để ý tới.

– Hình như Tư Trầu mua bãi đáp, dám tụi công an bán bãi rồi lộ ra bãi đáp kiếm thêm chút cháo cũng không biết chừng?

Hai Tốt gật gật đầu:

– Tui cũng nghĩ như vậy. Rầu quá, hồi nãy ì xèo ghe xuồng mà tui hông thấy mấy đứa em tui, Tụi nó cũng đưa khách bữa nay mà??

Hai Tốt lầm bầm những gì không rõ rồi lấy gói thuốc Hoa Mai ra đưa cho tôi một điếu. Tôi vừa mồi thuốc vừa hỏi:

– Bây giờ phải tính sao đây. Tôi muốn sáng sớm đón xe về ngay thành phố. Gần đây có bến xe nào không?

– Nếu muốn đi xe về thành phố thì phải đi ngược về Cần Thơ mới có xe về thẳng thành phố. Bây giờ khuya rồi. Chèo liên tục cả đêm suốt tới sáng mới băng ngang qua sông Cần Thơ được chứ không phải chơi đâu. Gần đây có Huyện Thốt Nốt, bến xe ở đó chỉ đi về tới Cần Thơ, sau đó đổi qua xe khác đi về thành phố. Tui nghĩ như vậy tiện hơn. Có thì giờ nghỉ ngơi một chút chứ giờ này mà chèo sáng đêm qua sông Cần Thơ thì oải quá.

Tôi thấy Hai Tốt nói cũng có lý. Giờ này khuya rồi phải nghỉ ngơi một chút rồi đi tiếp chứ bắt nó chèo suốt đêm sao được. Vả lại tôi cũng mệt mỏi quá rồi. Tôi nói với Hai Tốt mà như thể là lời than thở cho chính tôi:

– Như vậy thì mình nghỉ ngơi rồi canh giờ chèo cho chúng tôi đến chỗ nào đón xe đò đi về chuyến sớm nhất sáng mai nghe. Bị bể vụ này thiệt tình tôi không còn ham muốn gì nữa Hai Tốt ơi, chỉ muốn làm sao về được Saigon càng sớm càng tốt thôi.

– Được rồi. Tui cũng rầu lắm. Sáng mai đưa anh chị dzìa rồi, tui còn phải tìm ba tui dzới mấy đứa em coi có bị gì hông??

Tôi trầm ngâm một lúc rồi hỏi Hai Tốt:

– Tình hình chung quanh bến xe ở Huyện Thốt Nốt và vùng đó như thế nào? Em có rành không?

– Ý anh muốn nói là tình hình công an địa phương, an ninh… ở đó hả?

– Ờ! Tôi nghĩ sau cái vụ hồi nãy, nếu công an địa phương phát giác được thì thế nào cũng báo động tùm lum và ngày mai ở mấy bến xe địa phương lân cận có thể có công an chìm theo dõi để bắt những người chạy về. Đây chỉ là ngừa vậy thôi. "Cẩn tắc vô áy náy" vậy mà.

– Đúng rồi, anh lo xa như dzậy cũng phải. Làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra?? Nhất là "chiến" này nhiều người còn rớt lại lắm. Hồi nãy ghe mình bỏ đi trước nên đâu biết được tụi công an có tới không? –Hai Tốt im lặng như suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp – Ở Huyện Thốt Nốt tụi B2 hông có đông, nhưng sau dzụ này nếu tới tai Công An thì tụi B2 thế nào cũng bung ra dò xét, vậy thì anh chị phải cẩn thận trước cho chắc ăn. Mai tui sẽ cặp ghe vào bến đò gần chợ Huyện, chỗ đó cũng gần bến xe đi Cần Thơ. Anh chị trước khi dzô bến xe mua dzé tốt nhất nên dòm ngó cho kỹ rồi hãy xếp hàng mua dzé. Nếu thấy hông ổn thì đón tụi cò mồi mua dzé chợ đen cho chắc ăn.

…Và thế là mờ sáng hôm sau Hai Tốt cặp ghe vào bến đò Huyện Thốt Nốt cho chúng lên đón xe đi về Cần Thơ.

***

Chiếc xe đò nhảy xốc lên khi qua một ổ gà trên đường trước khi rẽ vào bến xe Cần Thơ và tiếng người ồn ào phía trước đánh thức tôi trở về với thực tại. Thằng S. còn đang ngủ mê mệt trong lòng tôi. Liếc nhìn qua bên cạnh, vợ tôi cũng vừa thức giấc đang đu đưa đôi tay theo một phản xạ tự nhiên vỗ về nhè nhẹ ru đứa con gái sợ nó giật mình thức dậy. Nhìn chiếc xe đò từ từ đỗ vào bến xe Cần Thơ khiến cho tôi có cảm giác như vừa dứt bỏ đi được một gánh nặng. Đến được Cần Thơ là an toàn rồi.

Sau khi vào tới bến, chúng tôi mua vé chuyển xe khác đi về Saigon ngay.

Không bao lâu sau, chúng tôi nghe tin chiếc ghe đó đã tới Thailand thành công!! Tôi đã lặng người đi trong một trạng thái gần như choáng váng, hầu như không tin tưởng vào những gì mình vừa nghe. Chiếc ghe mà tôi đã có dịp nằm giữ gần 2 tuần lể, tôi đã nhìn nó "ngao ngán" với chiều dài chỉ khoảng hơn 10 mét, ngang hơn 2 mét và tôi đã tỉ mỉ thăm dò từng vết chai trét trong khoang hầm, sợ rằng những vết chai trét nứt nẽ không được an toàn cho chuyến vượt biên!! Vậy mà chiếc ghe đó đã chứa được hơn 60 người và đã tới được bến bờ tự do bình yên. Chuyến vượt biên như vậy là thành công mặc dù việc "bốc" hàng bị lộ bến bãi và người đi canh me quá đông đã làm cho một số khách rớt ở lại, trong đó có vợ chồng con cái chúng tôi.Tin này đưa tới như xác nhận một lần nữa là số phần của chúng tôi không thể nào đi được, đừng uổng công vô ích!

Sau chuyến đi này thật sự chúng tôi đã nản chí lắm rồi. Tôi nói với vợ tôi là sẽ không bao giờ mơ tưởng tới chuyện vượt biên nữa. Người xưa có câu: "Tận nhân lực mới tri thiên mệnh", chúng tôi đã tận nhân lực quá đủ rồi và cũng quá nản rồi!! Thiên mệnh đã an bài, không còn gì cải chối được nữa. Vả lại chúng tôi phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống thực tế, phải đương đầu với sinh kế hàng ngày đã là một thách đố lớn đối với chúng tôi hiện tại. Sau 9 lần thử thách và thất bại đủ 9 lần, tôi đã nếm đủ mọi mùi vị của sự vượt biên: Nào là vượt qua được những khó khăn của giai đoạn bãi ếm, giai đoạn taxi, đã lên cá lớn thành công, chạy cả ngày trời trên biển tưởng rằng đã thoát được… đã bị cướp bóc (dù đó là do chính tàu VN cướp: Chuyến đi thứ nhất tàu đánh cá Quốc Doanh Kiên Giang 2 đã cướp chúng tôi), đã bị bể ghe xuýt chết… đã bị vào tù tội vượt biên, đã bị lường gạt, đã bị thua non, đã bị bỏ rơi lại vì người đi canh me quá đông… và cuối cùng còn sót lại chỉ là một thất bại não nề cộng với những khó khăn chồng chất sau mỗi chuyến thất bại trở về.

Nhưng trong một đời người, thiên mệnh như thế nào khi chưa tới lúc thì chúng ta cũng vẫn chưa biết được! Số phần chúng tôi hình như vẫn còn vướng với nghiệp chướng này. Những lận đận trong cuộc đời vẫn còn đeo đuổi tôi… không lâu sau đó một sự kiện xảy ra đã khiến tôi phải vào tù Chí Hòa, tại đây tôi đã gặp một kỳ ngộ ảnh hưởng và thay đổi cả cuộc đời tôi. Chuyến vượt biên thứ 10 cũng phát xuất từ kỳ ngộ này…

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, những giờ phút đón năm mới Bính Tuất 2006
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
"Hồi Ký Vượt Biên" Tập 9
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 1
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 2
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 3
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 4
» "Hồi Ký Vượt Biên" Tập 10

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Rạp Hát - Thư Viện: Ca Nhạc - Phim Ảnh - Truyện :: Sách Truyện & MP3-
Chuyển đến