Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1) Empty
Bài gửiTiêu đề: Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)   Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1) I_icon_minitimeFri Aug 18, 2017 1:40 am

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)
Phạm Phong Dinh


Từ xa lộ Đại Hàn đi Thủ Đức, có những con hương lộ nhỏ chạy sâu vào khu đất đỏ thưa người, cho đến khi chúng mất hút vào trong những khóm cao su xanh thẫm. Theo con đường mòn cắt ngang một khu rừng cao sunhỏ đi mãi về hướng quốc lộ một, thì người ta sẽ trông thấy một cái đồi thấp nằm giữa những rặng cây. Đất đồi cằn cỗi nên những loại cây lớn không mọc nổi, chỉ có những lùm bụi còn gượng sống rải rác trên triền đồi.


Một vài loại cây xương rồng lạc loài vươn mình lên trên trời cao giữa những tàng lá thấp lè tè và tròn như những cái mũ nấm. Gọi là đồi, nhưng cái đỉnh của nó xoải rộng và chạy dài thoai thoải, có lẽ phải gọi là cái giồng đất mới đúng. Nhờ địa hình khá là bằng phẳng đó, nên từ mấy mươi năm trước, người Hoa sinh sống ở gần đó, thậm chí ở mãi tận Chợ Lớn, đã đem thân nhân qua đời lên mai táng ở đấy, dần dà, ngọn đồi đã trở thành cái nghĩa trang riêng của người Hoa lúc nào chẳng rõ. Nếu xuyên qua hết cánh rừng ra đến xa lộ đi Biên Hòa, thì người ta sẽ lại trông thấy một cái nghĩa trang khác to lớn và bề thế hơn nhiều, mà ai cũng biết đó là Nghĩa Trang Quân Đội, nơi an táng những người lính đã hy sinh ở mặt trận. Nằm ở một vị trí biệt lập và hẻo lánh, mười mấy năm sau ngày đất nước đổi chủ, cái nghĩa trang ở giữa rừng cao su dường như đã trở thành một bãi tha ma hoang phế, cỏ tranh lau lách mọc um tùm. Có thể là những thân nhân còn sống của những người chết nằm dưới đáy mộ đã di tản đi nước ngoài hết rồi, hay là đã trôi dạt dật dờ lên những vùng đất hoang vu hẻo lánh nào đó, để gọi là làm lại một cuộc sống mới. Mỗi năm vào Tiết Thanh Minh, người Hoa có tục đi tảo mộ đông đảo là thế, nhưng mà ở cái nghĩa trang này, họa hoằn lắm chỉ thấy lác đác không quá mươi người, trông thật là đìu hiu và buồn thê thiết làm sao. Ở giữa gần trăm ngôi mộ, chỉ thấy vài con người cúi lom khom cắm nhang khấn vái qua loa, để gọi là tỏ lòng còn nhớ đến người đã chết. Khói nhang ẻo lả quyện trong không khí cùng với mùi đất và mùi cỏ úa hăng hăng, tạo nên thành một thứ hương trầm kỳ bí dễ gợi cho người ta những ảo giác u ám trong một cõi không gian đẫm đầy một thứ âm khí lạnh lẽo. Những tờ giấy tiền âm phủ được phết bằng loại kim nhũ vàng và trắng rải đầy trên những nấm mồ bị những cơn gió trên đồi thổi bay lả tả, trông như những con bướm chập chờn. Thỉnh thoảng từ trên những tàng cây cao su, có tiếng những con chim lạ rúc lên những tràng dài kinh dị. Người giàu óc tưởng tượng sẽ nghĩ rằng chúng đang gọi hồn người chết trở về, để thụ hưởng những vật thực được bày biện trong những chiếc dĩa sứ. Cũng có thể chúng là những con chim đã đánh hơi thấy mùi thức ăn, nên ríu rít gọi nhau đến chia phần. Rồi những con người sống ấy, có lẽ hãi sợ cái cảnh u ám xám xịt của những nấm mồ hoang bia đá ngã nghiêng lẩn khuất giữa những khóm cỏ vàng vọt, đã dắt díu nhau đi nhanh ra khỏi bãi tha ma, leo lên một chiếc xe lam đang nổ máy chờ sẵn bên bìa rừng. Người tài xế bẻ tay lái quày đầu xe, rú ga phóng ra hướng xa lộ Đại Hàn, để lại đằng sau một đám bụi đỏ mù mịt. Những con quạ đói chỉ chờ có thế, mỗi năm cứ đến ngày này, chúng kéo về đây chực chờ ăn tiệc, một bữa tiệc giữa những nấm mồ, trên những bộ xương mục rã dưới lòng đất. Mấy mươi con quạ giang rộng những chiếc cánh đen mốc, sù sì hối hả sà xuống những dĩa thức ăn tranh nhau mổ trong những tiếng kêu the thé. Giữa một buổi chiều nắng tàn, bầy quạ đen xúm xít tranh ăn trên những nấm mộ cỏ úa, tiếng kêu rít của chúng ngân nga rền rền trên trên đỉnh đồi, vừa buồn ảo não vừa dị thường như một chuỗi âm thanh từ một thế giới kỳ bí ma quái nào đó vọng về. Người Hoa không xây nấm mộ bằng xi măng kiên cố gọi là kim tĩnh như người Việt. Những nấm mộ trên đồi chỉ được đấp đất thấp bè bè nhưng phình to ra như một cái mu rùa. Đầu cái nấm đất được khoét sâu vào ở giữa, làm hai bên mộ khuỳnh khuỳnh giống như hai cánh tay khoanh tròn, ôm ấp một tấm bia xây bằng xi măng theo hình cánh cung, trên mặt bia có cẩn những hàng chữ Tàu đỏ chóe chạy dọc xuống, chẳng rõ mang mển ý nghĩa gì, nếu người ta không hiểu được Hán tự. Người Tàu cũng hiếm khi xây nhà mồ, nhưng ở cái nghĩa trang này, trong một góc hẻo lánh nhất gần tận bìa rừng cao su phía bên kia triền đồi, thật lạ lùng, có một cái nhà mồ khá là bề thế bằng đá hoa với những hàng cột và mái ngói được xây theo kiểu đền miếu Trung Hoa. Không biết ngôi nhà mồ này được kiến trúc từ lúc nào, nhưng chắc phải là lâu lắm, vài ba mươi năm là ít, vì những vết rạn nứt chạy dài trong những khối gạch đá bủng nát, mái ngói phủ màu xanh mốc của những tảng rêu, đã chứng minh được sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian. Ở giữa ngôi cổ mộ, trên nền xi măng nổi lên một cái nấm mộ khá lớn làm bằng loại đá vân cẩm thạch quý, mà chỉ ở mãi tận ngoài xứ Quảng mới có. Thân nhân của người quá cố chắc phải thuộc giới giàu có tột bậc, mới có thể đặt mua thứ đá quý này. Mỗi năm vào Tiết Thanh Minh, có một bà già người Hoa cùng với, có khi là một cô cháu gái, có khi là một thiếu phụ đứng tuổi mang mấy cái giỏ xách đựng giấy tiền vàng bạc, hương hoa, nhang đèn và thức ăn đến tảo mộ. Ngôi nhà mồ đã lâu không ai chăm sóc nên cỏ tranh mọc phủ bịt bùng chung quanh, mấy người đàn bà phải vẹt cỏ đi vào. Những lá cỏ cao gần tới đầu người cứng và sắc, nếu không mặc áo tay dài sẽ bị cứa rất đau rát, hợp với lùm bụi um tùm làm cho ngôi cổ mộ chìm trong một cõi mờ nhạt xám xịt. Giữa ban ngày mà bên dưới cái mái ngói nhập nhoạng một thứ ánh sáng sâm sẩm làm cái nấm mồ đá hoa như tắm trong cõi u minh. Bà già và người cháu gái lể mể bày biện đồ cúng trước cái bia mộ dầy đặc những hàng chữ Tàu được khắc bằng kim nhũ, tuy lâu năm mà chất vàng vẫn còn lóng lánh. Họ thì thụp chấp tay van vái trước tấm bia đá hoa, nhưng đôi mắt của họ thì dáo dác nhìn quanh như e sợ một điều gì. Đôi môi lẩm nhẩm những câu kinh niệm Phật, mà trong lòng họ đang dậy lên một trạng thái bồn chồn xốn xang, chỉ muốn đứng dậy đi nhanh ra khỏi nơi cô liêu trầm mặc đó. Có một năm, bà già đã để ý rằng, bỗng dưng khung cảnh trong ngôi cổ mộ sáng bừng lên. Ánh mặt trời làm thành một dải tơ vàng lóng lánh vắt lên chóp nấm mồ. Những người đàn bà đã nhận ra rằng, đám cỏ tranh đã bị những người nào đó chém phạt xuống tận gốc, nhưng chúng vẫn không chịu khuất phục, những mầm non màu lá mạ nhú lên như những mũi kim nhọn. Bà già cùng cô cháu gái xách giỏ bước vào bên trong ngôi nhà mồ.

Bà lão ngồi xuống bên nấm mồ lúi húi sắp xếp lễ vật, bỗng bà thét lên một tiếng kinh hoàng:

- Á...

Tội nghiệp bà già, bà ngã ngửa người ra sau tựa vào ngực cô cháu gái. Cô gái cất tiếng muốn hỏi, nhưng nàng cũng tái mặt hoảng vía ú ớ, khi nàng trông thấy hai cái hình thù gì đó nằm lù lù như hai cái khối đen phía bên kia cái nấm đá hoa, ở góc tận cùng tối tăm của ngôi nhà mồ sau những hàng cột cũ kỹ.

Hai bà cháu ôm nhau vừa lê lết ra bên ngoài vừa kêu cứu bằng một chuỗi âm thanh khằng khặc quến nghẹn trong cổ họng, mà chắc chẳng ai nghe thấy: - Bớ... người ta... cứu... con m... m...a... Hai cái khối đen bỗng, trời ơi, chúng nó chồm dậy bò... theo, hai bà cháu người Tàu run bây bẩy vừa bò vừa chấp tay niệm Phật, vừa khóc:

- Nam Mô A Di Là Phật ... Nam Mô... Quan Thế Âm Bồ Tát... Nam Mô... Nam Mô...

Thật rùng rợn, hai bà cháu càng niệm Phật thì hai con ma càng lết nhanh tới... Hai bà cháu thụp xuống lạy như tế sao trên trời: - Nam Mô... Nam Mô... xin tha mạng... xin hồn ma tha mạng...

Một trong hai con ma bỗng lên tiếng hỏi bằng một âm thanh ồm ồm pha nhiều ngạc nhiên:

- Bà ngoại ơi, bà làm gì vậy, tụi tui là người đây mà? Ma cỏ gì! Cái bóng đen chồm tới nắm lấy cánh tay bà lão, bà già trợn trừng mắt ngã lăn quay nằm trên nền gạch co rúm người trong một nỗi sợ hãi tận cùng.

Cái con ma nhún vai chịu thua, nó quay sang cô gái mà đang mở to mắt nhìn trừng trừng vào mặt nó:

- Cô ơi, tụi tui là người ta mà...

Cái bóng đen thứ nhì nhỏ nhẹ tìm cách giải thích cho cô gái hiểu:

- Tụi tui không nhà cửa nên vào ngủ tạm trong này, bà và cô không có gì phải sợ. Đến bây giờ thì cô gái đã có thể nhận rõ, hóa ra hai con ma chỉ là hai con người trong những mảnh quần áo tồi tàn, mái tóc dài lâu ngày không cắt phủ xuống khuôn mặt đen nhẻm với chỏm xương gò má nhô cao thật thảm hại. Cô gái kêu lên trong lòng. Trời đất, bọn ăn mày, họ ăn mặc rách rưới thảm hại như thế kia. Từ cơn sợ tê điếng, trong lòng cô gái chợt dậy lên một trạng thái nửa khinh thường nửa thương hại. Bỗng nhiên nàng đưa tay lên che miệng cười khì:

- Hà, mấy nị làm ngộ giựt mình muốn chết luôn, tưởng mấy nị là ma...

Con ma thứ nhất cười hì hì:

- Hà, nị cũng làm ngộ té lái chong quần á!

Con ma thứ nhì khoát tay lên nghiêm giọng ngăn bạn:

- Hậu, mày đừng có nham nhở với người ta!

Anh chàng nham nhở quay lại gãi đầu:

- Giỡn chút chút cho vui mà ông thầy...

Không để ý đến sự giễu cợt của mấy người khách lạ, cô gái cúi xuống lắc vai bà lão:

- A phò... A phò... tỉnh dậy li, người ta hỏng phải ma...

Bà già lồm cồm ngồi dậy, đôi mắt vẫn còn vẻ thất thần, bà nhìn chăm chăm về phía hai con người rách rưới:

- Mấy nị là ai vậy, ở lâu vô lây nằm ngủ hả?

Hậu nhanh nhẩu trả lời:

- Chào a phò, tụi tụi là lính bị thương tàn tật hỏng có nhà vô đây nằm ngủ, a phò đừng có rầy...

Bà lão là người có lòng từ tâm, bà cảm động hỏi:

- Mấy nị tàn tật làm sao lưa cho ngộ coi coi...

Từ những con ma ghê rợn biến thành con người, bà lão bỗng có nhiều cảm tình với hai anh chàng lạ mặt mà có vẻ hiền lành này.

Hậu ngại ngần vén chiếc áo ka ki bạc màu che phủ một nửa con người anh lên. Bà già và cô gái cùng kêu lên thảng thốt:

- Á...

Hậu ngượng nghịu cúi nhìn xuống hai khúc chân cụt gần tới háng, chỗ bị cắt được bó tròn như những khúc thịt nguội đỏ hỏn nhú ra từ chiếc quần xà lỏn ngắn. Cái mông xương xẩu của anh đang tọa trên một cái ghế nhỏ thấp, bên dưới có gắn bốn cái bánh xe đã mòn cũ. Bà già đặt bàn tay lên chỏm vai gầy của người lính đôi mắt cảm động nhíu lại:

- Tội nghiệp lị quá, chắc lau lắm hả? Hậu lắc đầu:

- Lâu quá hết lau dồi! Người được gọi là ông thầy kêu lên:

- Hậu, mày lại giỡn nữa!

Bà lão quay sang anh:

- Còn nị làm sao, cho ngộ coi coi... Cô gái nhìn thấy một nỗi buồn ánh lên thê thiết trong chiếc thủy tinh sâu thăm thẳm của anh. Nàng cắn môi, cảm xúc nhận ra rằng, anh đã bị hư hết một bên mắt. Con mắt sâu hun hút như một cái hang đen ngòm, hai mi mắt giờ đây chỉ còn là hai mảnh da vô hồn không còn bao giờ có thể hấp háy được nữa. Anh đang mặc một chiếc quần vải đen dài, che phủ phần chân trái đã bị cắt mất quá đầu gối, giọng buồn thiu:

-Tôi cụt chân chỗ này. Bà với cô tha lỗi, tụi tui nghèo quá không có nhà, xin đừng đuổi. Bà với cô nhìn xem, anh em tụi tui dọn dẹp sạch sẽ bên ngoài lẫn bên trong để gọi là tỏ lòng cảm ơn...

Bà lão thở dài sườn sượt:

- Thôi lược, mấy nị cứ ở, ông bà chủ cũng li hết dồi, lâu còn ai nữa. Ngộ cám ơn mấy nị mới phải. Bà cho tay vào chiếc áo mỏng sau chiếc áo xẩm cài nút một bên lục tìm trong túi, bà lấy ra mấy tờ giấy bạc trao cho người cụt một chân:

- Có mấy nị ở lây ngộ cũng yên lòng, mấy nị lấy cái nầy dồi coi cái mả giùm ngộ, lừng cho mấy đứa nhỏ chăn bò vô lây phá, ngộ cám ơn.

Bà hân hoan bảo cô cháu gái:

- Xiểu Làn, mày dọn lồ ra cúng li.

Quay lại hai thầy trò người lính cụt chân bà ngọt ngào:

- Lát nữa hai nị cứ lấy lồ cúng ăn há, lỗ bỏ cũng uổng! Hai người lính thương phế nhìn nhau cười buồn. Ngày xưa, lúc còn lành lặn thân thể và còn vẫy vùng dọc ngang trên bốn vùng chiến thuật, họ đâu có bao giờ nghĩ đến một ngày được người ta mời ăn đồ cúng một cách đau lòng như thế này. Bà già không biết cách nói, bà không biết lựa lời trau chuốt mà chỉ nói một cách thành thật từ đáy lòng. Bọn chàng hiểu chứ. Nhưng... cho dù đang đói rã ruột, đầu váng mắt hoa, bao tử cồn cào như muối xát mà bà già đồng hóa cái sự ăn uống của bọn chàng ngang hàng với của đổ bỏ, thực không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này. Có tiếng gọi nhau của những người đi tảo mộ báo giờ về, bà già chấp tay vái cái bia đá mấy cái, miệng lẩm nhẩm mấy câu tiếng Quảng Đông, chắc là xin phép cáo biệt vong hồn.

Bà lão xách chiếc giỏ nhựa lên giã từ hai người ăn xin:

- Thôi ngộ về à, mấy nị ở lại mạnh giỏi. Xiểu Làn quay nhìn hai người lạ một lần cuối, trong lòng nàng dậy lên một nỗi vương vấn bùi ngùi, thật lạ lùng, chính nàng cũng không hiểu vì sao. Có lẽ là vì những đôi mắt đó ánh lên nỗi buồn thăm thẳm mà nàng chưa từng thấy trong đời bao giờ. Trong lúc đỡ bà lão leo lên chiếc băng sau của chiếc xe lam, bỗng dưng một cơn gió lạnh buốt xương, dù rằng đang giữa mùa xuân nắng ấm, từ trên bãi tha ma kéo theo một đám bụi đỏ như máu phủ trùm lên người nàng một mùi tanh tưởi dị kỳ, rất giống mùi thối rữa của xác chết. Xiểu Làn bủn rủn tay chân, nàng trông thấy hàng vạn đóa hoa nhiều màu sắc nhảy múa trước mắt và trời ơi, dường như trong đó có một cái gì giống như một chiếc áo trắng ẻo lả mông lung như một làn khói, nó áp tới gần nàng và mở rộng ra như một tấm vãi rộng thùng thình. Xiểu Làn nghiến răng cố nắm lấy thành chiếc xe lam để khỏi ngã xuống.

Bà già hoảng hốt nhoài người ra nắm lấy tay cô cháu kéo lên:

- Xiểu Làn, mày làm sao...

Cô gái chẳng nói năng gì, nàng chỉ ngước mắt lên nhìn bà lão trừng trừng... Đột nhiên bà lão thấy lạnh toát cả người. Quỷ thần ơi, cái đôi mắt này với con ngươi nhỏ bằng hạt đậu đen và cái tròng trắng nở lớn hết mức, bà đã từng trông thấy nó nhiều lần, chỉ có thể là của... Bà già và cô cháu gái đã từ giã ra đi từ lâu rồi mà hai người phế nhân vẫn ngồi tựa vào thành nấm mộ lặng thinh không nói năng gì. Mấy cây nhang trong chiếc bình nhỏ cháy tàn còn phảng phất chút hương trong ngôi nhà mồ. Bà già tử tế để lại một chai rượu trắng nhỏ, mấy cái chung, vài ba cái chén và dĩa đựng một ít thịt quay, gà hấp, vài cái trứng vịt luộc vỏ tẩm màu xanh, một ổ bánh mì. Một bữa tiệc thịnh soạn cho những người đói ăn kinh niên như hai con người rách rưới này.

Hậu nhìn chai rượu chép miệng ướm lời:

- Sao, ông thầy, nhậu không?

- Thầy chú gì nữa mầy ơi, mầy cứ gọi tên tao là được rồi.

Hậu xua tay lia lịa:

- Đâu có được ông thầy, phải có tôn ti trật tự chớ.

Người phế nhân rơm rớm nước mắt nắm tay người mà anh vô cùng thương kính:

- Hồi đó nếu ông thầy không bò vô kéo em ra thì em đâu có còn sống tới bây giờ. Em đã bảo để em chết, mà ông thầy cứ nắm áo em kéo, rồi ông thầy cũng dính luôn. Đù má, chúng nó chơi ông thầy đi cha nó con mắt và cái giò, em thề sẽ không bao giờ quên...

Ông thầy cười cay đắng:

- Mày không quên thì mày làm được đếch gì chúng nó?

Hậu nhân cơ hội đó lái trở lại cái vụ rượu liền:

- Bởi vậy mình phải uống cho nó quên sầu ông thầy! Hai thầy trò ngồi đối ẩm với nhau trước tấm bia mộ của con người nằm dưới lòng đất.

Hậu rót rượu, hai tay nâng cái chung nhỏ trịnh trọng nhìn vào tấm bia:

- Xin phép vong hồn ai dưới mồ cho phép hai thầy trò tui hưởng đồ cúng, Nam Mô A Di Đà Phật...

Người được gọi là ông thầy gượng gạo nhấp mấy ngụm rượu cho thằng em nó vui, chứ trong lòng chàng đang quặn thắt một nỗi buồn. Ôi, không biết đã bao nhiêu năm qua rồi, mà vết thương trong tim chàng vẫn còn sưng tấy và đọng đầy những mủ máu từ một niềm tủi nhục mà chàng biết không bao giờ vơi, dù cho thời gian có kéo dài đến bao lâu đi nữa. Gắp một miếng thịt đưa vào miệng mà chàng nghẹn ngào liên tưởng đến những mảnh thịt đỏ lói, rách nát, đen đặc bụi và ruồi trên những cái thân thể tàn tạ, cái ngày mà chàng với Hậu và nhiều người thương phế khác bò ra khỏi cổng quân y viện, người nào người ấy khóc ròng, khóc ngon lành như những đứa trẻ. Vì đau đớn cũng có, nhưng mà là nhục nhã và tức uất thì đúng hơn. Không biết nhờ phép lạ nào mà hai thầy trò chàng còn sống được đến tận bây giờ.

Ngày đó, lúc chiều gần tàn, có một người chạy xe ba gác còn dám xịch xe lại, anh cẩn thận nhìn trước sau rồi cúi xuống hỏi nhỏ:

- Mấy anh muốn đi đâu tui chở cho, không lấy tiền.

Lúc ấy, nghĩ đến cái chết, nên chàng rầu rầu trả lời:

- Cám ơn anh quá, nhờ anh chở tụi tui lên Nghĩa Trang Quân Đội được không?

Cho xe đậu cấn lên bãi cỏ bên lề, anh xe ba gác tận tụy vác hai thầy trò chàng ngồi dựa vào cái bệ dưới chân tượng Người Lính Tiếc Thương, rồi tần ngần bước đi. Được mươi bước anh quay lại chặc lưỡi. Anh nghèo quá, vợ con nheo nhóc, muốn cho hai người lính ít tiền mà trong túi của anh cũng chẳng còn gì. Định tự tử chết, nhưng suy nghĩ mãi người phế binh vẫn không biết làm cách gì để chết. Nếu còn một cây súng với một viên đạn thì dễ quá. Đau đớn, mệt mỏi, chàng với Hậu nằm ngủ mê man dưới chân bức tượng đồng. Đến nửa đêm khát nước, người phế binh giật mình mở mắt định bò đi kiếm chút gì để uống, thì chàng nhìn thấy một bóng đen trông rất giống một người lính đang ngồi dựa lưng gần đó hút thuốc. Trong bóng tối, ánh lửa từ điếu thuốc như một con đom đóm nhấp nháy chập chờn theo những cái rít thuốc liên tục của anh ta. Người phế binh rên lên trong lòng. Giờ này mà còn đội nón sắt nữa sao ông, có còn gì nữa đâu. Chà chà, còn cây súng gác trên đùi nữa chứ. Được một lúc, anh ta tháo chiếc bi đông nước đưa cho người phế binh, lặng lẽ không nói gì. Rồi anh đứng dậy bước đi, không buồn đòi lại vật sở hữu của mình. Người phế binh ngẩn ngơ nhìn theo cái dáng gầy gò của người lính khuất dần trong cõi đêm mờ mịt. Anh có biết đâu rằng, nếu tình cờ nhìn lên cái bệ chỗ bức tượng Tiếc Thương ngồi ôm súng trên cao kia, thì anh sẽ thấy nó, trời đất, đã... biến mất. Sau này chàng nghe dân sống quanh đó kể rằng, đêm đêm vẫn luôn có một người lính gõ cửa từng nhà xin nước uống, nhưng người ta sợ quá không ai dám ra cho nước cả. Người ta đồn hồn ma của bức tượng Tiếc Thương hằng đêm vẫn lang thang đi vòng quanh nghĩa trang đến thăm từng tấm bia mộ của những tử sĩ nằm trong đó. Người ta cũng nói cho nhau nghe rằng, cái anh lính làm người mẫu để đúc tượng cũng đã hy sinh trên chiến trường. Hồn của anh đã trở về nhập vào bức tượng đồng, để mỗi đêm đứng dậy bước đi...


(còn tiếp)
Phạm Phong Dinh
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)
» Anh hùng và Kẻ bội phản trong Quân lực VNCH
» Số phận đao phủ khét tiếng thời Nguyễn
» Số phận tay sai Hồ Ngọc Thắng và Nguyễn Hải Long trong vụ bắt cóc ở Đức ra sao?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Rạp Hát - Thư Viện: Ca Nhạc - Phim Ảnh - Truyện :: Sách Truyện & MP3-
Chuyển đến