Người Sa Đéc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Sa Đéc Xưa và Nay... Sa Đéc của Bạn Bè và Thân Hữu
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 353
Join date : 14/02/2017

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3) Empty
Bài gửiTiêu đề: Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)   Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3) I_icon_minitimeFri Aug 18, 2017 1:51 am

Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)
Phạm Phong Dinh


Chú Hỏa đã thụ nhận quá nhiều ân sủng từ thượng đế, giàu sang, tài sản, con cái, cháu chắt đầy nhà. Thế nhưng theo lẽ dịch lý âm dương của trời đất, trong cái quá thịnh cũng có cái suy, mà đã làm cho vợ chồng chú Hỏa phải trăn trở buồn đau đến suốt đời. Có một ngày, người nhà Chú Hỏa được lệnh tìm một người giúp việc.

Người ta mướn được một thím xẩm chừng ba mươi tuổi, tính tình hiền hậu, rất tận tụy. Nhưng thím có một đức tính làm cho nhà họ Hứa rất hài lòng, là không nhiều... chuyện. Thím ít nói, ăn ít, làm nhiều, không tò mò và không hay ngồi lê la bàn tán đủ thứ chuyện trên đời như những người làm công khác. Thím xẩm được giao cho một công việc rất nhẹ nhàng nhưng thật đặc biệt, vì nó rất kỳ quái. Hàng ngày thím phải quét dọn sạch sẽ một căn nhà lầu dường như rất ít người ở, vì thím không thấy bóng dáng ai trong đó. Ngày ba lần, trong mỗi bữa ăn sáng, trưa và tối, thím bưng một cái khay bằng vàng đựng những chén dĩa thức ăn và nước uống đem lên tầng lầu đặt trên một cái bàn gỗ mun tròn đã lên nước đen bóng. Đặt khay lên bàn xong, thím xẩm phải lui xuống ngay, không được lén lút dòm ngó. Đến bữa ăn kế, thím đem cái khay mới lên và lấy cái khay cũ xuống. Có một bí mật mà chỉ trong gia đình chú Hỏa biết cùng nhau.

Thời đó vùng Chợ Lớn còn hoang vu lắm, Chú Hỏa cất nhà trên một khoảnh đất lớn có nhiều cây cổ thụ xum xuê. Chú Hỏa cho xây căn nhà lầu đặc biệt ấy nằm mãi tận ở góc xa nhất của miếng đất, chung quanh có một cái hàng rào cao quá đầu người với những khóm cây dâm bụt che khuất tầm nhìn của người ngoài. Chú Hỏa còn tìm những loại dây leo cho hoa rất đẹp như loài hoa móng bò, mà rất hợp với phong thổ vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, cho chúng bám vào một cái giàn gỗ cao lên đến tận khung cửa sổ tầng lầu trên. Hoa móng bò nở màu tím, cánh lớn bằng bàn tay, có hình giống như cánh bướm rất đẹp, không thua gì hoa lan. Lẽ ra người ta phải đặt cho nó cái tên nào gợi cảm và đầy chất thơ hơn chứ, như tử hoa hay hồ điệp hoa, sao lại là móng bò, làm mất nguồn cảm hứng của thi sĩ quá đi. Căn lầu hoang vắng đến rợn người, những tấm màn the trắng chập chờn lay động theo từng cơn gió, những chùm kim khí sáng loáng treo trong phòng dậy lên những âm thanh leng keng buồn nản và thê thiết, như vọng về từ một thế giới xa xăm nào. Chỉ có một chiếc ghế duy nhất bên cạnh chiếc bàn gỗ mun, để thím xẩm đoán chắc được rằng, có một người ẩn mặt sống trên căn lầu này.

Thím nghe người ngoài xóm sầm xì đồng với nhau rằng căn nhà đó có... MA, vì có người quả quyết rằng ban đêm đã tình cờ trông thấy một cái bóng người tóc dài tận lưng trong chiếc áo trắng đứng tựa cửa sổ, hay đi qua đi lại dưới ánh trăng rọi vào phòng, nhẹ nhàng, phiêu phưởng như một con ma. Một anh làm vườn kể rằng, một đêm anh có chuyện cá nhân cần giải quyết ngoài vườn giáp giới với vùng đất phía sau căn nhà lầu. Đứng dưới gốc cây sao làm cái chuyện phóng chất thải, anh đã nghe thấy, trời ơi, dường như là tiếng khóc ai oán của con ma. Anh không bao giờ quên được chuỗi âm thanh nức nở uất nghẹn như của một vong hồn còn nhiều mối oan khiên chưa được rửa sạch, và tiếng rú cao vút chói buốt như một mũi dao nhọn xoáy vào tai, mà chỉ có... ma quỷ mới có được tiếng rú rùng rợn đó. Câu chuyện con ma áo trắng trên lầu được thêu dệt dần qua nhiều cái miệng người đời, càng ngày càng kinh khủng, nên không ai dám nhận công việc quét dọn và đem thức ăn trong căn nhà ma quái đó. Nhiều thím xẩm được mướn đến làm, nhưng chỉ có một ngày, người nào gan dạ lắm là một tuần, đều xin nghỉ cả. Thật may mắn, một thím xẩm từ mãi tận miền Sóc Trăng lên thăm một người bà con trong nhà Chú Hỏa, tình nguyện nhận việc làm. Ngày đầu tiên cầm chổi lên lầu, thím thấy ớn lạnh vì mùi ẩm mốc của một căn lầu quá rộng mà ít người ở. Không được phép vén màn cửa lên, dù ngày hay đêm, thím xẩm thấy mình lúc nào cũng chìm đắm trong một vùng ánh sáng xám xịt, tờ mờ. Căn phòng không có sinh khí của con người nên thím thấy da dẻ lành lạnh, gai gai. Tiếng chổi kéo xoèn xoẹt lên trên sàn gạch bông tạo nên thành những chuỗi âm vang khô khan, buồn nản. Lui cui quét dọn từng ngóc ngách, nhiều lúc thím xẩm phải dừng chổi bất thần quay lại, vì thím có cái cảm giác rờn rợn rằng có một cái gì đó dị kỳ lắm đang theo dõi, đang quan sát thím từ phía sau. Nhưng khi thím xoay người lại thì... chẳng có gì cả. Thím xẩm bạo gan lắm mà nhiều lúc cũng thấy tim đập thình thình trong lồng ngực. Thím vững tin vào miếng vải nhỏ màu đỏ gói một lá bùa trị tà ma của một ông lục Miên ở Sóc Trăng cho thím, mà lúc nào thím cũng đeo trên cổ cùng với một sợi dây chuyền và miếng cẩm thạch tạc hình Đức Phật Bà Quan Âm. Buổi tối càng thê lương tịch mịch và đầy vẻ hăm dọa hơn, khi căn lầu nhỏ chỉ được treo có một chiếc bóng đèn vàng. Ánh sáng nhạt của nó không đủ soi sáng hết căn lầu rộng, làm thành một khối cầu vàng phủ xuống chiếc bàn ăn nhỏ. Ngoài vầng sáng đó là cõi đen đặc, dễ khiến cho những người yếu bóng vía tưởng tượng ra đủ thứ hình ảnh vong hồn hiện diện trong từng ngõ ngách sâu thẳm nhất của căn lầu. Đặt chiếc mâm vàng lên bàn, thím xẩm rùng mình linh cảm rằng, cái con vật, con ma hay con người nào đó từ trong bóng tối đang chằm chằm quan sát thím, và biết đâu, một cánh tay xương xẩu sẽ thò ra nắm lấy thím kéo vào cái cõi đen âm u đó. Chỉ vừa nghĩ đến đó là thím đã thấy chân tay lạnh buốt. Là con người chớ có phải Phật Bà đâu mà không biết sợ ma, thím xẩm chụp lấy chiếc mâm vàng buổi trưa với những chén dĩa còn chút thức ăn dang dở quay mình chạy ù xuống thang... Cẩn thận đóng chặt cánh cửa, thím xẩm ngã người lên giường, nhưng đôi mắt vẫn lo âu nhìn về hướng cửa. Đằng sau cánh cửa đó là cõi đêm, là thế giới của cõi âm, của những vong hồn trong những mảnh áo trắng lang thang trên trần thế. Thím xẩm ở trong một căn nhà nhỏ lợp tôn đầy đủ tiện nghi bếp núc cất gần bên căn nhà lầu.

Cái gạch nối duy nhất của thím xẩm với thế giới con người sống là chú Cẩu. Chú có nhiệm vụ cung cấp thực phẩm tươi sống cho thím xẩm mỗi ngày, để thím nấu nướng cho cái con người bí mật trên lầu. Thím cần gì thì chú Cẩu mua đầy đủ ngần ấy cho thím. Nhưng có một điều rất lạ là, hằng ngày chú Cẩu đem đến cho thím xẩm những ly bằng vàng có chứa một thứ nước nào đó đặt lên khay, hỏi mãi chú Cẩu mới miễn cưỡng cho biết đó là nước nấu từ những lá vàng y. Thím xẩm ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, uống nước nấu bằng vàng ròng làm gì vậy kìa. Mỗi đêm nằm gác tay lên trán, thong thả ôn lại từng sự kiện một trong căn nhà hoang, tổng hợp những hiện tượng bình thường lẫn bất bình thường, thím xẩm tự đi đến một kết luận, rằng cái con ma tóc dài trên lầu không phải là ma, vì ma làm gì mà ăn được thức ăn phàm tục. Những ông sư giảng đạo đã chẳng từng nói ma quỷ chỉ “ngửi” mùi thức ăn, coi như chúng đã “ăn” cái tinh túy của vật thực, vì bản thân chúng là một loại chúng sinh trong cái thể phi vật chất. Cho nên những sư theo phái khất thực chỉ độ buổi trưa và không ăn sau giờ ngọ, tức là mười hai giờ trưa, vì các sư tin tưởng rằng, sau giờ đó mà chúng ta ăn uống, bọn ma quỷ đói khát với những cái miệng nhỏ xíu như những lỗ kim sẽ kéo tới hối hả hưởng lấy cái tinh túy của thức ăn, thậm chí liếm môi miệng chúng ta, mà chúng ta nào hay biết. Với suy nghĩ rằng con ma là con người sống trên căn lầu hoang, thím xẩm quyết tìm ra sự thực...

Một đêm trời không có trăng và sao, không gian chỉ còn là một khối đen đặc như mực. Những con người trong những căn nhà im ắng trên đường phố bên ngoài đã chìm vào giấc ngủ đậm sâu. Nửa đêm, thím xẩm mặc bộ quần áo đen rón rén mở cửa bước vào bên trong căn nhà hoang. Thím run dữ lắm, bàn tay nắm chặt lấy gói bùa trên cổ để tìm kiếm sự bảo vệ của nó. Thím đứng lặng thinh dưới gầm thang lầu, cố gắng thở từng hơi ngắn và nhẹ. Chung quanh thím là một màn tối mù, đến đưa tay ra cũng không thấy. Chẳng biết đã đứng đó được bao lâu, thím xẩm gà gật trong cơn mơ màng, nửa tỉnh nửa mê, thì bỗng dưng, thím nghe có tiếng động nhẹ trên tầng lầu. Thím xẩm giật mình tỉnh hẳn ngủ, lòng dậy lên một nỗi nôn nao lo lắng. “Nó”, cái con ma tóc dài áo trắng đó đã hiện ra rồi. Thím nghiêng đầu cố lắng nghe tiếng bước chân của nó lướt trên sàn nhà. Con ma đó nó có một cái tâm sự gì đó, mà sao nó cứ đi tới đi lui không ngừng nghỉ trên đó vậy kìa. Ánh đèn vàng từ trên lầu hắt xuống thang lầu thành một vệt sáng mờ. Thím xẩm nhẹ nhàng bước đến chân cầu thang. Do dự một chút, thím quyết định bò lên, nhẹ nhàng và thận trọng như một con rắn săn mồi đêm. Bò được vài bậc thang, đột nhiên thím xẩm nghe, dường như có tiếng khóc nỉ non, ai oán của một con người, âm thanh trong trẻo, phải là của một cô gái còn trẻ. Giữa đêm trường, tiếng khóc xì xụt rất khẽ của con người đó vẫn xoáy rõ vào thính giác thím những âm thanh dị kỳ, làm thím rùng mình liên tưởng đến tiếng rên than của những hồn ma giữa đêm trường tịch mịch. Thím xẩm đã trườn người lên đến bậc thang chót, một nửa cái đầu của thím nhú lên cao vừa phải, cho phép thím nhìn thấy quang cảnh tầng lầu. Suýt nữa, thím xẩm đã kêu lên một tiếng kinh hoàng, nhưng thím đã kịp lấy tay ép chặt môi mình. Trời ơi, thím thấy gì. Một con người, không một người đàn bà, hay một cô gái, vì mái tóc dài đen nhánh đã nói điều đó, đang ngồi gục đầu thổn thức bên chiếc bàn tròn.

Nhưng... toàn bộ khuôn mặt của nàng đang quấn vải trắng kín mít, chỉ chừa có đôi mắt và một khe hở để thở. Thím xẩm lặng người bàng hoàng không biết phải lý giải hình ảnh đó nó mang mển một ý nghĩa gì. Câu trả lời đã đến ngay với thím. Con người tóc dài trong chiếc áo trắng vừa khóc vừa đưa tay lên tháo những mảnh băng trên mặt mình. Thím xẩm đưa tay lên ngực nghẹn thở. Thím sắp sửa thấy được khuôn mặt của “nó”. Cô gái ngồi bên dưới ánh đèn, nên thím xẩm có thể nhìn thấy từng lọn tóc đen của nàng lả tả rớt theo mỗi vòng vải trắng. Cô gái nắm lấy những mảnh tóc khóc nấc lên, làm thím xẩm cũng bùi ngùi trong lòng. Một vòng, hai vòng... rồi ba vòng,... vầng trán của cô gái đã lộ ra, đến cặp mắt đen láy, lóng lánh như ánh sao trời dưới ánh đèn mờ. Nhưng... khi cô gái lột mấy vòng băng quanh đôi gò má, thím xẩm đưa tay lên miệng ú ớ trong một cơn hãi hùng, thím gục đầu xuống cố kìm một cơn nôn mửa đang quặn lên từ đáy bao tử. Trời ơi, một khuôn mặt lở lói của một con... quỷ. Toàn bộ khuôn mặt của cô gái chỉ là những mảnh thịt bầy nhầy, rỉ máu và mủ. Chiếc mũi bị hỏm xuống như một cái hố sâu thẳm, đôi môi của nàng, ôi chỉ còn là hai miếng thịt vụn bị bằm nát, để lộ hàng răng trắng đều như hai hàng hạt bắp. Mùi tanh hôi tỏa ra khắp căn phòng thím xẩm thấy choáng váng mày mặt. Đầu óc thím quay vòng vòng. Bây giờ thì thím xẩm đã kịp trông thấy hai bàn tay của cô gái với những ngón tay sưng phù, lở loét và đã cụt hết một nửa. Thím xẩm rên lên trong lòng. Trời phật ơi, một cô gái cùi. Bất chợt, linh tính báo cho biết có người nhìn lén, cô gái ngừng khóc ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm về phía cầu thang, ánh mắt chứa đầy vẻ giận dữ. Thím xẩm chết điếng ngã người vào tay vịn cầu thang nhắm nghiền mắt nín thở. Thật may mắn cho thím, một con mèo hoang từ dưới phóng lên đuổi bắt một con chuột, nó gào lên một tràng tiếng eo éo ghê rợn . Cô gái thôi không khóc nữa, nàng lấy ra một cuộn băng mới quấn những mảnh băng trắng bao phủ khuôn mặt của mình. Nàng chậm rãi đứng lên muốn bước đến cầu thang, nhưng nghĩ sao, nàng lại quay trở vào trong căn phòng phía sau những tấm màn trắng đang chập chờn ẻo lả theo những cơn gió đùa từ trên những tàng cây cổ thụ. Thím xẩm kiên nhẫn chờ một khoảng thời gian thật lâu, để tin chắc rằng cô gái đã ngủ say, thím chầm chậm, nhè nhẹ trườn xuống thang lầu. Chạy nhanh vào phòng, thím xẩm chỉ kịp gieo người lên chiếc giường nệm, thím úp mặt xuống gối ngất xỉu mê man không còn biết gì nữa...

Không biết thím xẩm đã chìm trong cõi vô thức đến bao lâu, đến một lúc thím bỗng giật mình mở mắt ra nhìn. Một cái khối gì trắng tròn đang áp xuống gần mặt thím xẩm, thím xẩm há to miệng hét lên một tiếng kinh hoàng:

- Á...

Nhưng một bàn tay quấn đầy vải đã kịp bịt chặt lấy miệng thím. Thím xẩm cứng người như một khúc gỗ trong cơn hãi hùng, thím chỉ còn biết đưa mắt trợn trừng nhìn cái khối trắng trong vùng ánh sáng đen thẫm. Trời ơi, nó, cô gái cùi, nó sẽ làm gì mình. Thím xẩm trông thấy đôi mắt bên trong khối băng trắng của cô gái nhìn thím với ánh mắt hiền dịu, ngân ngấn những hạt lệ. Thím xẩm nghe một tiếng nói trong trẻo, êm ái thì thào bên tai:

- Thím ơi, đừng sợ, con là người chứ không phải ma! Thím xẩm hoàn hồn gật đầu, cô gái rút bàn tay về, thím xẩm ú ớ:

-Tiểu thơ... tiểu thơ... là... là...

Cô gái u sầu cúi đầu xuống nghẹn ngào:

- Con là con gái... của Hứa gia gia... Con bị bệnh... Thím xẩm chồm dậy ôm lấy cánh tay cô gái khóc òa:

- Trời ơi, tiểu thơ... ngộ lâu có ngờ... Hứa tiểu thơ đưa tay bịt miệng thím xẩm lần nữa, lo lắng nhìn ra ngoài: - Thím đừng làm kinh động! Thím xẩm vẫn ôm lấy cô gái nghẹn giọng:

- Từ nay tiểu thơ muốn ăn cái gì ngộ nấu ngon ngon cho tiểu thơ.

Cô gái nhè nhẹ lắc đầu:

- Con không muốn ăn nữa thím à... Chợt nàng ngã vào lòng thím xẩm sụt sùi:

- Thím ơi, đã đến lúc con phải đi rồi! Thím xẩm kinh hãi kêu lên, thím mường tượng hiểu cô gái muốn nói gì:

- Tiểu thơ li lâu, không... tiểu thơ còn trẻ lắm mà. Cô gái càng khóc nức nở:

- Thím đã thấy hết rồi mà... Con đã yếu lắm rồi...Con thấy... có nhiều người... Ở trên đó một mình... con sợ lắm... Nàng ôm chặt lấy thím xẩm nhìn trừng trừng vào khoảng tối đen trước mặt run rẩy:

- Trời ơi, nhiều người ghê lắm..., họ đến bắt con phải đi... Họ đứng ngoài cửa đợi con kia kìa. Cô gái nói tới đâu, thím xẩm lạnh mình tới đó. Nhưng nào thím có thấy gì đâu...

Thím vỗ về cô gái:

- Tiểu thơ cứ li ngủ li, để ngộ canh chừng ở ngoài cho. Thím xẩm dìu cô gái trở về căn lầu, cái thân thể nhỏ nhắn gầy ốm của nàng run rẩy từng lúc. Nàng đã yếu lắm, đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống, thím xẩm không đỡ một bên, chắc nàng đã ngã rồi.

Đêm hôm đó, Hứa tiểu thơ ngủ một giấc thật say. Bên ngoài, thím xẩm gối đầu lên hai cánh tay gác trên chiếc bàn nhỏ chập chờn đến tận sáng. Từ đó, mỗi đêm thím xẩm đều lên lầu lắng nghe tâm sự ai oán của Hứa tiểu thơ và ngồi canh giấc ngủ cho nàng. Nhưng cũng không được bao lâu...

Ngày hôm sau, khi lên lầu dọn chén dĩa, thím xẩm nhận ra rằng, thức ăn vẫn còn nguyên chưa được đụng tới. Có nghĩa là, Hứa tiểu thơ đã bỏ ăn và... nàng thật sự đã lâm bệnh nặng, rất nặng. Không còn e ngại phiền nhiễu cô gái, thím xẩm buộc phải gõ cửa phòng nàng:

- Tiểu thơ... tiểu thơ... ngộ vào lược không?

Chỉ có tiếng gió lùa qua khung cửa sổ đùa những tấm màn bay phấp phới thay cho câu trả lời. Nguy ngập lắm rồi, linh cảm chuyện không lành, thím xẩm xô cửa bước vào phòng. Một mùi tanh lợm giọng xộc vào mũi thím xẩm. Căn phòng tối mờ, nhưng thím cũng nhận ra một con người nằm dài trên chiếc giường gỗ quý được chạm trổ rất đẹp theo kiểu cung đình Trung Hoa. Hứa tiểu thơ vận một bộ trang phục bằng gấm màu hồng, nàng đang nằm bất động. Thím xẩm run rẩy nghĩ đến một cái xác chết đang thối rữa dần. Trên vách phía bên trái chiếc giường, thím xẩm trông thấy một cái khung hình lớn, một cô gái thật trẻ và tuyệt đẹp đang nhìn thím mỉm cười. Thím xẩm biết ngay rằng, đó chính là Hứa tiểu thơ trong những ngày phơi phới mạch sống xuân thì, lúc chưa vướng phải cơn bệnh phong cùi. Một cô gái có hai cái bím tóc xinh xắn với chỏm tóc cắt ngang xõa xuống trán theo lối của những cô gái khuê môn. Đôi mắt của nàng rất tinh anh, pha chút ranh mãnh và lóng lánh một niềm yêu đời chứa chan. Đôi môi nhỏ chúm chím của nàng được tô điểm thêm hai cái lúm đồng tiền trên đôi má tươi hồng. Hứa tiểu thơ mặc một chiếc áo xẩm bằng tơ nhẹ màu xanh lá non có thêu hoa, nút cài một bên, hai bàn tay trắng muốt như ngọc của nàng đan vào nhau làm cái giá đỡ cho chiếc càm tròn mỏng tựa vào, khiến cho thím xẩm nghĩ đến nét đẹp của những cô đào màn ảnh Trung Hoa. Thím xẩm thở dài, thím biết đôi mắt của mình đã rớm đầy lệ. Một cô gái đẹp xinh trong tuổi mộng mơ, nàng có tội tình gì để chịu kiếp đày đọa như thế chứ. Hóa ra từ lâu, nhà họ Hứa đã mang mễn một nỗi bất hạnh, khi người ta phát giác Hứa tiểu thơ đã mang bệnh cùi. Cả nhà cuống cuồng mời không biết bao nhiêu là danh y mãi tận bên mẫu quốc, Hương Cảng, Tân Gia Ba, nhưng bệnh tình cô gái ngày càng nặng, da dẻ nàng sần sùi và đỏ ửng lên dần, những ngón tay đã co quắp lại, toàn thân nàng ngứa ngáy trong những đêm trăng tròn. Những lúc ấy, tiếng khóc cùng tiếng kêu rú tức uất của tiểu thơ vọng ra từ trong căn phòng kín như tiếng ma quỷ vọng về từ đáy địa ngục. Chú Hỏa chẳng biết tính sao, đành phải cất một căn nhà lầu trong góc vườn thật vắng vẻ đem nàng ra ở ngoài đó. Hằng ngày, theo lời những Đông y sĩ, người nhà nấu vàng lấy nước cho tiểu thơ uống, nhưng làm sao mà chất nước đó có thể giết chết được những con vi trùng Hansen quái ác ấy được chứ. Thím xẩm hồi hộp vạch tấm màn mỏng che giường sang một bên, cúi xuống nhìn vào cái đầu quấn băng trắng toát của cô gái, thím giật mình khi trông thấy đôi mắt của nàng hấp háy nhìn thím, lờ đờ và mệt mỏi. Tiểu thơ vẫn còn sống.

Thím xẩm kêu nhỏ:

- Tiểu thơ... tiểu thơ, trong người làm sao? Cô gái ứa lệ mấp máy môi, âm thanh vo ve như tiếng muỗi kêu:

- Con... sắp đi rồi... làm ơn mời cha... mẹ... nhanh... Thím xẩm vừa khóc vừa chạy nhào sang ngôi nhà lớn, va phải chú Cẩu đang ôm một cái cần xé nhỏ chứa hàng, thím hổn hển:

- Ông chủ lâu... chết dồi... tiểu thơ... chết... Nghe tiếng được tiếng mất, chú Cẩu hoảng kinh quăng cái giỏ xuống đất hỏi dồn:

- Cái gì, thím nói cái gì, tiểu thơ làm sao ?

- Hừ... hừ... tiểu thơ nguy dồi, mau kêu ông bà chủ li... Đến lượt chú Cẩu ba chân bốn cẳng chạy đi tìm Chú Hỏa. Ông chủ đang ngồi trầm ngâm ngoài đại sảnh bên chiếc bàn gỗ cẩn một phiến cẩm thạch tròn vân trắng, bên trên một chiếc ấm trà bằng đất nung đỏ và một cái chung trà đang nghi ngút khói. Chú Cẩu lắp bắp chấp tay nói:

- Ông chủ... ông chủ... Hứa tiểu thơ nguy dồi, chết... ông chủ mau li xem...

Một con người từng trải qua biết bao sóng gió trong cuộc đời và trong thương trường đầy dẫy những sự canh tranh khốc liệt, vậy mà Chú Hỏa vẫn quýnh quáng gạt chiếc ấm trà và cái chung rớt xuống đất vỡ loảng xoảng, chú đứng dậy phất tay áo ra lệnh:

- Đi! Chú kêu bà chủ qua luôn...

* Đám tang của Hứa tiểu thơ được thực hiện trong âm thầm và cô quạnh. Tiễn đưa cô gái bất hạnh chết giữa tuổi thanh xuân đi vào lòng đất lạnh chỉ có cha mẹ, anh em nàng cùng một vài người thân tín như chú Cẩu và thím xẩm. Một chiếc xe hơi mai táng màu đen bóng loáng kín mít của một hãng Pháp, đã lặng lẽ đem chiếc quan tài gói cái xác lở lói nham nhở của tiểu thơ đi đến một nơi chốn mà chỉ có những người tháp tùng biết mà thôi.

Ông bà chủ không dặn dò đi nữa, thì dù có kề dao vào cổ, chú Cẩu và thím xẩm cũng không bao giờ hé một lời. Cái địa điểm bí mật và vô danh ấy chính là ngôi cổ mộ nằm trên ngọn đồi giữa cánh rừng cao su, là nơi dung thân qua đêm của hai người lính thương phế. Vẫn lo sợ có người đến quấy phá phần mộ con gái, Chú Hỏa cho xây một ngôi nhà mồ khác khá là bề thế tọa lạc ở một địa điểm rất dễ nhận biết ngay ngoài ngoại ô Sài Gòn. Dư luận công chúng thời đó hết sức ngạc nhiên về cái chết đột ngột của ái nữ nhà họ Hứa, người ta chỉ biết phong phanh rằng nàng chết vì một cơn bạo bệnh vậy thôi, chứ không ai có thể nghĩ ra được rằng, con gái một nhà cự phú vẫn phải chịu mang chứng bệnh nan y ghê sợ nhất trần đời, mà không vàng bạc châu báu nào có thể chữa nổi. Đoán già đoán non rằng nhà giàu thế nào cũng chôn của quý đi theo, một đêm mưa gió ầm ầm, có hai tên trộm rủ nhau xâm nhập vào ngôi nhà mồ giả của Hứa Phương tiểu thơ.

Lúc ấy là giữa mùa hè, Sài Gòn thường có những trận mưa giông rất lớn, những tia chớp lóe sáng giữa không trung vạch thành những đường ngoằn ngoèo gai góc trong những tiếng sấm đùng đùng kinh hồn. Hổ và Mẹo, hai tên trộm đem theo những đồ nghề cần thiết để đập phá bê tông và cạy hòm người chết, chúng khoác lên người chiếc áo mưa làm từ chiếc poncho màu xanh ô liu phế thải của lính Pháp, trông giống như hai con dơi khổng lồ lò mò dưới những lằn sáng chớp rực trời. Mưa xối xả, điên cuồng, hàng trăm ngàn giọt nước mưa rơi chéo xuống quất mạnh vào mặt những người lỡ bước trong đêm rát rạt. Mẹo và Hổ đốt thuốc hút cho ấm lòng, nhưng mưa nặng hạt quá, cái quẹt lửa không bừng lên nổi trước những cơn gió mạnh.

Con đường mòn dẫn vào khu nhà mồ trơn như mỡ, đất đỏ mủn ra chảy rào rào thành dòng xuống cái rảnh bên đường, trông như một con suối máu. Lớp đất sét bị giẫm lên dẻo quánh, hai tên trộm trợt ngã mấy lần, chẳng mấy chốc mà chiếc áo mưa của chúng đã lấm lê toàn một màu đỏ của bùn. Hổ cộc cằn chửi đổng:

- Má nó, khổ như con chó! Mẹo vỗ vai bạn an ủi:

- Ráng chút mày, rồi đời mình sáng tươi liền ...

Hổ càu nhàu:

- Sáng đâu không thấy, chỉ thấy tối thui trước mặt.

- Ậy, tối vậy tụi mình mới làm ăn được chớ, sáng quá cho phú lít nó còng đầu mày à! Hổ không có được cái gan góc và quyết chí như bạn, thêm cái bản tính rất sợ ma, hắn chết khiếp khi nghe Mẹo rủ rê đi đào mả nhà họ Hứa:

- Thôi đi, đào mồ cuốc mả người ta tổn đức lắm.

Mẹo cười hì hì:

- Sợ ma thì nói là sợ ma đi, mày làm gì có đức mà tổn. Mày muốn có tiền nuôi vợ yếu con đau không thì nói. Hổ gãi đầu bối rối. Tiền thì ai không muốn, nhưng mà hắn nghe nói con gái chết trẻ thường hay thành ma hiện về bóp cổ người ta lắm. Mẹo búa thêm một búa nữa để khêu gợi lòng tham của Hổ:

- Chú Hỏa giàu lắm mày ơi, tụi mình làm cú này ăn ba năm chưa hết. Mày không nghe giới trộm cắp có câu “Con ơi nhớ lấy lời cha, Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” sao?

- Một đêm ăn trộm bằng ba năm tù thì có! Nói là nói vậy nhưng Hổ vẫn vác đồ nghề theo Mẹo.

Giờ đây, hai tên ăn trộm đã trông thấy cái mái nhà mồ nổi lên đen sẩm trong màn mưa. Ngoại ô Sài Gòn giữa khuya trong cơn mưa giông không một bóng người, Hổ rùng mình ớn lạnh, nhưng không dám nói vì sợ Mẹo chê cười. Chung quanh ngôi nhà mồ chỉ thấy đồng không mông quạnh, xa xa lấp lóe vài ánh đèn èo ọt, càng làm máu trong người Hổ đông cứng thành từng mảnh. Hai gã trộm cẩn thận nhìn trước sau không thấy ai, bèn tuồn lẹ vào bên trong ngôi nhà mồ. Vẫn chưa hành sự vội, hai đứa lấy thuốc ra đốt hút cho đỡ lạnh, mà cũng bớt căng thẳng. Vừa hút thuốc Mẹo vừa quan sát cái nấm mả suy nghĩ cách hành động. Mẹo gật gù. Đập phá cái khối mả này thì tới sáng cũng chưa chắc xong, nhưng cứ đi một đường vòng quanh cái chân mả rồi lấy xà beng nạy nó lên, là ăn tiền. Mẹo gục gặc đầu đắc ý với kế hoạch của mình. Quả nhiên, đúng với dự tính, những miếng gạch bông chung quanh chân nấm mả chỉ mỏng chừng hơn một phân được khằn dính vào chân mả, bên dưới lại là lớp cát, nên hai đứa hì hục cạy một vòng chung quanh chân mả cho lớp khằn xi măng vỡ ra, xeo gạch bông lên, trong vòng không quá một tiếng rưỡi đồng hồ là đã thấy được lớp cát. Mẹo lấy ra hai cục gạch tiểu làm điểm tựa và bảo Hổ:

- Tao đằng đầu, mày đằng chân, một, hai, ba cùng xeo lên cho cái núm chuyển lần lần qua một bên.


Hai tên trộm tuy chưa từng đào mồ ai bao giờ, nhưng cái máu trộm cướp trong người cộng với kinh nghiệm và tính thông minh láu cá thiên bẩm, chẳng mấy lúc chúng đã đẩy cái nấm mả bê tông qua một bên. Một mảnh đất hình chữ nhật lấp đầy cát, chung quanh là một cái vòng thành bằng xi măng hiện ra trước mặt hai đứa. Mỗi tên rút ra một cái xẻng nhà binh lúi húi đào, xúc tới đâu chúng hất cát văng ra ngoài nhà mồ để cho cát bị nước mưa cuốn đi biệt tăm. Chúng chỉ chừa một số lượng cát vừa phải để lấp trở lại, rồi dần cái mả lên như cũ. Thật là một mưu kế thần sầu, đến đại sư tổ chúng là Đạo Chích thời Xuân Thu cũng phải chào thua... Được một lúc, bỗng Mẹo nghe Hổ run giọng thì thào:

- Mẹo, hình như tao đụng nắp hòm!

- Ừ, đào tiếp, gần tới mức ăn thua rồi em ơi...


Phạm Phong Dinh

(còn tiếp một kỳ)
Về Đầu Trang Go down
https://nguoisadec.forumvi.com
 
Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 3)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phấn 1)
» Ngôi nhà mồ họ Hứa (phần 2)
» Anh hùng và Kẻ bội phản trong Quân lực VNCH
» Số phận đao phủ khét tiếng thời Nguyễn
» Số phận tay sai Hồ Ngọc Thắng và Nguyễn Hải Long trong vụ bắt cóc ở Đức ra sao?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Người Sa Đéc :: Rạp Hát - Thư Viện: Ca Nhạc - Phim Ảnh - Truyện :: Sách Truyện & MP3-
Chuyển đến